Phân tích bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu


Đề bài: Phân tích bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.

Bài làm

Chính Hữu (1926-2007) là một nhà hoạt động cách mạng, nhà chính trị và nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam thời kì văn học kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ Chính Hữu chủ yếu xoay quanh mảng đề tài người lính và chiến tranh mà bài thơ “Đồng chí” tiêu biểu trong số đó.

Đề tài người lính không chỉ quen thuộc mà đã có nhiều thi phẩm đặc sắc thành công ở mảng này. Tuy nhiên, cùng đề tài ấy nhưng bài thơ “Đồng chí” (1948) lại mang đến cho người đọc những cảm nhận rất khác biệt về tình đồng chí, đồng đội trong kháng chiến chống Pháp.

Chính Hữu không bắt đầu từ hình ảnh người lính oanh liệt trên chiến trường hay cái ra đi “đầu không ngoảnh lại” ngày lên đường ra chiến trận mà là gốc gác, nguồn cội thuần nông, thuần Việt của người lính chống Pháp:

“Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!"

Chính Hữu thể hiện tình đồng chí của người lính thông qua cách họ gặp gỡ và quen biết nhau, đó là: con đường lí tưởng.

Bắt đầu từ khi còn ở quê nhà, người lính là ai? Họ cũng chỉ là người nông dân bình thường quen với sông nước, kênh rạch, ruộng đồng, đất đai… Thậm chí những từ như “mặn”, “chua”, “nghèo”, “cày”, “sỏi đá”… lại còn cho thấy gia cảnh bần hàn, nghèo khó, cuộc sống mưu sinh, khó nhọc.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về một món ăn Việt Nam dàn dã

Từ hai tuyến nhân vật “tôi” và “anh”, theo mỗi dòng thơ, hai nhân vật này dần từ “đôi người xa lạ” rồi “quen nhau”, “chung chăn” và hòa nhập tâm hồn tuyệt đối thành “tri kỉ”. Hai tiếng “đồng chí” đã tổng kết của một mối quan hệ đã hòa nhập cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần.

Như vậy, nguồn gốc của tình đồng chí là bắt nguồn từ con đường lí tưởng ra đi bảo vệ Tổ quốc.

phan tich bai tho dong chi cua tac gia chinh huu - Phân tích bài thơ Đồng chí của tác giả Chính Hữu

Phân tích bài thơ Đồng chí

Sau khi nhắc đến nguồn gốc tình đồng chí, Chính Hữu làm rõ hơn hiện thực khi chung hoàn cảnh sống để chứng minh lí luận của mình ở đoạn thơ trên:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!”

Ở đây, Chính Hữu đã dùng phương pháp so sánh giữa quá khứ và hiện tại. Tiếp tục là hai nhân vật “anh” và “tôi” khi còn chưa đi lính. Người thì gửi mảnh ruộng cơ nghiệp cho bạn bè, người thì để lại gian nhà xơ xác, trống hoắc cho thiên nhiên, người bỏ lại nỗi nhớ nhung nơi giếng nước, cây đa quê để rồi đến một không gian mới cũng chẳng khấm khá hơn. Đó là nơi chỉ có những “cơn ớn lanh”, cơn sốt “run người”, trán “ướt mồ hôi”, rét buốt, áo rách, quần vá, không giày… Rời quê hương riêng, người lính cùng hội tụ và cùng nhau trải qua nỗi khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh. Những từ “ớn”, “run”, “ướt”, “rách”, “vá”, “buốt”, “không”… được liệt kê ra một loạt trong đoạn thơ đã khắc họa sinh động và hiện thực nhất nỗi vất vả, hiểm nghèo của cuộc sống vật chất.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ của em về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

Tuy nhiên, vượt lên tất cả khó khăn, người lính vẫn giữ được tiếng “cười” lạc quan và tình yêu thương, đoàn kết lẫn nhau. Cái “tay nắm lấy bàn tay” rất tình nghĩa, rất chủ động ấy đã gộp “đôi người xa lạ” kia thành một, không còn rõ tay kia là tay anh hay tay tôi.

Đó là trong đời sống thường ngày, còn khi làm nhiệm vụ, người đồng chí cũng vẫn luôn sát cánh bên nhau:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Trong hiện thực của không gian rừng hoang đầy sương muối, người lính đứng gác lại có một hình ảnh thi vị “đầu súng trăng treo” khiến cho cả bài thơ trở nên vô cùng hàm súc. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” đã dựng lên một bức tranh ngược khi mà ánh trăng trên trời lại bị treo bởi mũi súng dưới đất. Cách cảm nhận của Chính Hữu rất đặc sắc. Sự hòa quyện giữa “anh” và “tôi” cũng như sự hào quyện giữa thực và ảo đã làm nên một thi phẩm “không lẫn” trong thơ ca kháng chiến.

Như vậy, bài thơ tự do “Đồng chí” với hình ảnh quen thuộc, ngôn ngữ giản dị, giọng thơ trầm cùng tập trung thể hiện nội dung cảm nhận mới mẻ đã tạo nên chất thú vị vừa lạ vừa quen cho tác phẩm. Chính Hữu với “Đồng chí” đã góp phần làm phong phú hơn kho tàng thơ ca cách mạng Việt Nam.

>> Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

Hoài Lê

Bài viết liên quan