Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão
Đề bài: Phân tích bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão
Bài làm
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những người anh hùng đã làm nên đất nước vẫn còn được ghi danh mãi trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Phạm Ngũ Lão – một trong những vị tướng văn võ song toàn được nhiều người nhắc tới. Bởi thế ông đã xây dựng nên một đội quân rất hào hùng, lẫm liệt cho triều đình nhà Trần. Trong bài thơ Thuật hoài, ông đã thể hiện rõ sức mạnh ấy. Đồng thời ông cũng nói lên nỗi lòng của mình trước vận mệnh đất nước.
Là một vị tướng yêu nước, giỏi giang, lại am hiểu về thi ca, Phạm Ngũ Lão đã tái hiện lại hình ảnh đầy khí thế của quân đội nhà Trần:
Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu
Dịch thơ:
Múa giáo non sông trải mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Nếu là kẻ thù, khi đọc được những câu thơ này có lẽ cũng sẽ thấy chột dạ bởi sức mạnh lớn lao của những người chiến sĩ đang hiên ngang cầm giáo giữ gìn non sông, đất nước. Tay cầm giáo, lòng kiên quyết, sẵn sàng chiến đấu. Non sông rộng lớn bao la và thời gian vô tận cũng không hề gây trở ngại cho những vị anh hùng luôn vững lòng hi sinh vì nền hòa bình của dân tộc. Bởi trong tay họ là ngọn giáo đã được tôi luyện bằng ý chí sắt thép mà vị tướng Phạm Ngũ Lão đã rèn giũa bao ngày. Tướng giỏi, quân mạnh, cả trí và lực họ đều có. Sức mạnh ấy mạnh tới mức có thể nuốt trôi trâu, hay thậm chí là át cả sao trời. Câu thơ không hề phóng đại chút nào khi trong lịch sử đã ghi danh rất nhiều tên của các vị anh hùng thời Trần: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật… và chính tác giả cũng là một trong những vị anh hùng lẫm liệt ấy.
Dù vậy, nhưng tướng Phạm Ngũ Lão vẫn luôn cảm thấy chưa cống hiến được hết mình cho đất nước:
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu
Dịch thơ:
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
Với ông, một người xứng đáng là trang nam nhi khi họ lập được công danh lớn lao với đất nước và để lại tiếng thơm cho đời. Ông tự thấy những gì mình làm còn chưa đủ, nhất là mỗi lần nghe chuyện của Vũ hầu, tức Gia Cát Lạng – vị anh hùng nổi tiếng của lịch sử Trung Quốc. Tác giả càng thẹn, ta lại càng thấy nhân cách trong ông rất tuyệt vời. Không có một giới hạn nào cho chữ tài chữ giỏi, những gì mà ông đóng góp cho Triều đình, cho đất nước rất đáng được tự hào và ngợi ca. Nhưng ông không lấy đó làm niềm kiêu hãnh cho bản thân, mà ngược lại, ông tự thu mình, khiêm tốn và quyết chí cố gắng hơn thật nhiều. Trong nhìn nhận của mọi người, Phạm Ngũ Lão rất xứng đáng là một đấng nam nhi được thiên hạ ngưỡng mộ, tán dương. Nhân cách ông cao đẹp, tâm hồn trong sáng, có lòng yêu nước nồng nàn. Ông tận tận lực dành hết cả trí và lực cho non sông.
Hình ảnh về trang nam tử của tác giả là bài học sâu sắc cho thế hệ sau noi theo. Khi đất nước không còn loạn lạc, chiến tranh, các bạn trẻ không phải chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy vì bom đạn. Bao nhiêu thế hệ đi trước đã vùi mình, đã sẵn sàng hi sinh rồi. Vì vậy, mỗi người trong thế hệ trẻ hôm nay, hãy tự xây dựng cho mình một tương lai tốt đẹp, bằng cách học hành chăm chỉ, rèn luyện đạo đức và ý chí thật tốt để sau này tận tâm tận lực làm việc, dựng xây đất nước ngày một giàu mạnh hơn.
Thật tự hào biết bao khi hàng năm có rất nhiều bạn trẻ thành đạt, trở thành doanh nhân khi tuổi đời còn chưa tròn ba mươi. Các anh, các bạn dù không cầm giáo, cũng chẳng phải chống lại kẻ thù ngoại xâm như quân đội nhà Trần, nhưng chính mỗi người đã góp phần xua tan giặc đói, giặc dốt, mang lại một đất nước ngày một giàu đẹp hơn, văn minh hơn.
Nhưng cũng thật đáng buồn khi bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều kẻ lưu manh, gây ra tệ nạn xã hội cướp của giết người. Không ít quan chức cấp cao lợi dụng chức quyền để tham ô tiền bạc của dân, đi ngược lại với tinh thần và đạo lý mà tướng Phạm Ngũ Lão đã truyền dạy. Ông thẹn vì lòng mình chưa thỏa với những công danh đã lập, còn quan chức ngày nay lại chưa thỏa lòng với những số tiền lớn đã tham ô được. Hai tư tưởng trái ngược nhau hoàn toàn.
Có khi nào ai đó thấy hổ thẹn với lòng mình khi đọc được bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão như tác giả đã thẹn với Vũ hầu không nhỉ? Tác phẩm của ông rất cần được các bạn trẻ tiếp cận, tìm hiểu và học hỏi tư tưởng nhân nghĩa trong đó, để tự phấn đấu trở thành một trang nam tử mạnh mẽ trong thời bình. Những lời thơ Đường luật ngắn gọn, súc tích của tác giả đã truyền đạt thành công lí tưởng, nhân cách cao cả của một vị tướng anh hùng từ thời Trần đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.