Phân tích bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu


Đề bài: Em hãy phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu.

Bài làm

Tố Hữu là một nhà thơ lớn của dân tộc, đặc biệt là có vai trò quan trọng nhất trong dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Tố Hữu cũng là một chiến sĩ hoạt động cách mạng sôi nổi, thường xuyên sử dụng thơ ca để đấu tranh cách mạng. Do đó, con đường thơ ca và con đường cách mạng của Tố Hữu luôn song song và hòa vào làm một. Đánh dấu bước đầu tiên được lí tưởng của Đảng soi sáng, chính thức gia nhập hàng ngũ chiến sĩ cộng sản chính là bài thơ “Từ ấy”.

Bài thơ “Từ ấy” được sáng tác năm 1938, thể hiện tình cảm lớn lao của một con người vừa bắt gặp con đường đi đúng nghĩa cho cuộc đời đồng thời thể hiện quyết tâm đoàn kết, chiến đấu, cống hiến cho đất nước của chính tác giả.

Ngay khi mở đầu bài thơ, tác giả lập tức nhắc lại cái tên “Từ ấy” để thêm một lần khẳng định hơn nữa vấn đề mà Tố Hữu muốn nhấn mạnh:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lí chói qua tim”

Ngày “Từ ấy” là cái ngày thiêng liêng và vĩ đại. Nếu Hồ Chí Minh đã rơi nước mắt khi tìm ra con đường giải phóng dân tộc qua bản Cương lĩnh của Lê-nin thì Tố Hữu cũng vừa dâng trào niềm xúc động gần như thế. Con đường vô sản này đây, Đảng Cộng sản đây, lý tưởng Hồ Chí Minh đây rồi! Nào còn cái cảm giác xưa kia nữa:

>> Xem thêm:  Cảm nhận của em về đoạn trích Rô mê ô và Giu li ét

“Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước

Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi”

Đến ngày hôm nay, Tố Hữu đã tìm thấy bến đò tuyệt hảo nhất của riêng mình. Những từ “bừng”, “chói” vừa thể hiện thái độ ngạc nhiên tới sung sướng, bàng hoàng tới ngất ngây hưởng thụ. Lối so sánh “bừng nắng hạ” và “mặt trời chân lí” không đâu khác chính là Đảng. Như mầm non thiếu ánh dương, tưởng chừng bị sự sống quên lãng, mà nay nắng tươi sáng tỏa khắp, cho mầm non kia sức sống mới dạt dào.

phan tich bai tho tu ay cua to huu - Phân tích bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu

Phân tích bài thơ Từ Ấy

Khi nắng về, tâm hồn con người như đang “nở hoa”, vẽ lên một bức thanh thiên đường đầy sắc nắng và sắc sống:

“Hồn tôi là một vườn hoa lá

Rất đậm hương và rộn tiếng chim”

Khi viết “Thơ duyên”, Xuân Diệu cũng đã viết lên một thiên đường thật đẹp:

“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên

Cây me ríu rít cặp chim chuyền

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá

Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền”

Cũng là một thiên đường với đủ âm thanh, màu sắc, đường nét, chỉ có điều nó xuất phát từ tình yêu cá nhân. Còn trong “Từ ấy”, thứ tình cảm tạo nên vẻ đẹp là tình yêu giống nòi, đồng bào, yêu Đảng, yêu Bác. Do đó, Tố Hữu nhấn mạnh vẻ đẹp ở chỗ “đậm” và “rộn”. Hai từ tranh trắc này nhấn mạnh tuyệt đối sự đầy, sự vững vàng của tình yêu lớn trong tâm hồn.

>> Xem thêm:  Bàn về nghề văn, có người đã mượn một câu thơ trong Truyện Kiều cùa Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Anh (chị) hiểu thế nào về những ý kiến và có suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa chữ “tâm” và chữ “tài” của người sáng tác văn chương

Đến đây, Tố Hữu bắt đầu nghĩ rộng hơn đến các mối quan hệ khác cũng bắt đầu thay đổi. Sự cô đơn, lạc lõng của những trí thức thời văn học hiện thực, lãng mạn 1930-1945 được thay thế bằng sợi dây kết nối mới:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người

Để tình trang trải khắp trăm nơi

Để hồn tôi với bao hồn khổ

Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”

Động từ “buộc” đã chính thức trở thành sợi dây nối liền một tâm hồn ham sống tới một thế giới đáng sống. Những nhà thơ cùng thời Tố Hữu như Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử… luôn khao khát được sống một cuộc sống đáng sống. Và Tố Hữu đã trở thành con người đầu tiên tìm ra con đường đó.

Giờ này đây, quê hương chính là “mọi người”, là “trăm nơi”. Người đáng quan tâm chính là những “hồn khổ”. Tố Hữu khao khát được đem tình cảm vĩ đại này chia sẻ cho tất thảy mọi người. Khi tất thảy cùng chung con đường, chúng ta sẽ đoàn kết để sống mạnh mẽ hơn. Đó là lời nhắn gửi rất nhân văn của tấm lòng Tố Hữu.

Từ niềm vui cá nhân đến niềm vui cho mọi người để rồi cuối cùng hòa thành một niềm vui chung, thống nhất trọn vẹn:

“Tôi đã là con của vạn nhà

Là em của vạn kiếp phôi pha

Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm cù bất cù bơ.”

Lúc này, những “hồn khổ” mà Tố Hữu nhắc đến bằng lòng thương cảm, cần sự bạn phát của tình cảm lớn lao thì nay họ đã trở thành người một nhà, thành gia đình lớn của tác giả. Trong gia đình ấy, Tố Hữu là người con, người em, người anh. Cách điệp ngữ “là” giống như Tố Hữu vừa định nghĩa khái niệm “tôi” – chiến sĩ cộng sản. Một loạt các cụm từ chỉ số lượng “vạn nhà”, “vạn kiếp” “vạn đầu”… đã dồn toàn bộ tầng lớp nhân dân thành một nhóm không phân biệt sang – hèn, nam – nữ, nghề nghiệp, độ tuổi. Thậm chí là kẻ lang thang “đầu đường xó chợ” cũng có thể trở thành một thành viên của gia đình lớn nếu chung lý tưởng. Ngoài ra, những từ như “nhà”, “em”, “anh”, “kiếp phôi pha”, “em nhỏ”, “không áo cơm”, “cù bất cù bơ”… đều gần gũi với ngôn ngữ dân gian.

>> Xem thêm:  Hãy phân tích tâm trạng người ra đi trong bài thơ Tống biệt hành cùa Thâm Tâm

Như vậy, với tình cảm chân thành và niềm tin cách mạng, Tố Hữu đã sáng tạo nên một trang thơ với ngôn từ uyển chuyển, linh hoạt nhưng rất gần gũi, thân thương đồng thời có giọng thơ khi sôi nổi, khi trìu mến. Qua đây, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy lòng yêu nước sâu sắc cũng như tấm lòng nhân đạo, nhân văn của tác giả.

Bài thơ “Từ ấy” kể câu chuyện của gần một thế kỉ về trước, nhưng tình cảm trong “Từ ấy” chưa bao giờ mất đi tính thời sự và thế sự của nó. Tố Hữu luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Hoài Lê

Bài viết liên quan