Phân tích Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn đầy đủ


Phân tích Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn đầy đủ

Hướng dẫn

Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974 – 1028), là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì 20 năm, từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028. Ông sinh năm 974, là người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang. Năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (sau đổi thành Thăng Long – Hà Nội ngày nay), đổi tên từ nước Đại Cồ Việt thành Đại Việt, bắt đầu một thời kì phát triển mới của dân tộc. Nhân dịp này, Lý Công Uẩn đã viết “Chiếu dời đô” để thông báo rộng rãi quyết định dời đô của mình cho toàn thể dân chúng được biết. Đây cũng chính là tác phẩm duy nhất của ông để lại cho đời sau.

Toàn bộ tác phẩm chia làm hai luận điểm lớn:

Việc thay đổi kinh đô đối với triều đại nhà Lý là một tất yếu khách quan. Việc thay đổi ấy có tính chất quy luật, không thể khư khư bảo thủ chủ quan “theo ý riêng mình”. Cái tính khách quan ấy thể hiện ở hai yếu tố: trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân. Cả hai yếu tố hội tụ được lợi ích lâu dài: chỉ có “đóng đô ở nơi trung tâm” mới có khả năng “mưu toan nghiệp lớn, tính kế, muôn đời cho con cháu” lâu dài.

Bắt chước người xưa mà không nệ cổ, ấy là một ý nghĩ phóng khoáng, canh tân. Sự lựa chọn nên hay không nên, lập luận của tác giả dựa vào thực tế xưa và nay. Sự đối lập giữa hai cách nghĩ, hai cách hành động khác nhau, tự nó bật lên chân lí: xưa không hẳn đã là cổ hủ, nay tuy là mới, nhưng chưa hẳn đã thức thời. Lấy cái đúng của hôm nay mà soi vào quá khứ, Lý Công Uẩn đã bắt gặp cách nghĩ của người xưa. Kế tục truyền thống, phát huy truyền thống cần có một sự sáng suốt, sàng lọc, đó là một phương châm, phương hướng nên làm. Tất cả những sự nên hay không nên, lập luận diễn ra ba bước: hành động dời đô hay đóng yên đô thành một chỗ, mục đích của việc dời đô và kết quả của việc dời đô. Không tán thành cách làm “Không noi theo dấu cũ của Thương, Chu” của hai nhà Đinh, Lê, lập luận có tính chất phê phán chỉ còn hai bước của tư duy được nhấn mạnh nhiều hơn. Cái lỗi của hai nhà Đinh, Lê có đến bốn điều cần phủ nhận là “lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây”. Sức thuyết phục của lối văn tranh luận không phải ở sự dài lời. Bốn vế đầu của câu văn như những mũi tên trí tuệ bắn ra nhằm vào một cái đích: ấy là sự lẽ ra phải thay đổi của hai nhà Đinh, Lê trong hiện tại. Hậu quả của nó, dưới hình thức biền văn, đầy thuyết phục: “khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi”.

>> Xem thêm:  Suy nghĩ của em về đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta qua bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

Thành Đại La là một nơi định đô lí tưởng.

Ngay khi nhìn ngắm vào hai tấm gương phải trái khác nhau, tác giả đã lộ rõ ý mình: không thể không thay đổi cách nhìn, cách làm. Nhưng tỏ ra tinh tế, khiêm nhường, tác giả chỉ giãi bày cách cảm: Trẫm rất đau xót về việc đó, tuy vậy không ngầm ý quyết đoán, mọi quyết đoán không gì cưỡng được vì nó hợp với mệnh trời: không thể không dời đổi. Phủ định một điều phủ định chính là sự khẳng định.

Ý tưởng của nhà vua trong việc định đô ở Đại La thuyết phục người nghe ở cả hai yếu tố: lí lẽ và tình cảm, nội dung và hình thức diễn đạt, trình bày. Về lí lẽ, lợi thế của Đại La được trình bày rất kỹ lưỡng với một số lượng câu không ít, nó như nốt nhấn của bài văn. Bốn câu văn đầy trọng lượng này lại được nhân lên gấp đôi bởi mỗi câu có đến hai vế, mỗi vế lại có sức tác động riêng bổ sung cho nhau, thật là tầng tầng lớp lớp. Nội dung của đoạn văn dựa vào thuyết phong thủy mà phát hiện ra vẻ đẹp muôn mặt của Đại La: nào là vị thế địa lí, vị thế văn hóa, đầu mối giao lưu, điều kiện dân cư và sự tốt tươi cho muôn vật. Đại La như một viên ngọc, nếu có ánh sáng của nhận thức soi vào, nó lấp lánh lên bao điều ngưỡng mộ. Tình cảm của người viết dù không muốn lộ ra vẫn ngập tràn trong tiết tấu, nhịp điệu trong từng chữ, từng câu “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu” như thế. Yêu mến Đại La là xuất phát từ ý đồ “mưu toan nghiệp lớn”, là một tầm nhìn xa rộng đến mai sau, vì lợi ích của muôn dân trăm họ. Nội dung đầy chất trí tuệ và tâm hồn ấy được diễn tả bằng hình thức biền văn chuẩn mực. Hình thức này đã góp phần không nhỏ vào hiệu quả của đoạn văn. Để sơ kết, cũng là để nhấn mạnh về ưu thế tuyệt vời của Đại La, tác giả đã sử dụng nhịp văn dồn dập với những cách tôn vinh không đơn điệu: đã là nơi “thắng địa”, “chốn tụ hội trọng yến của bốn phương” còn là “nơi kinh đô bậc nhất”.

>> Xem thêm:  Thuyết minh về lễ hội làng Triều Khúc

Như vậy Lý Công uẩn là một vị vua thông minh, nhân ái hiền từ và rất đổi hợp lòng dân. Ông không chỉ thấy những thực tế dẫn chứng từ các triều đại trước cũng như sự tốt đẹp của địa hình Đại la mà ông còn đánh vào tình cảm để thuyết phục. tuy là một bài chiếu có ý nghĩa ban bố mệnh lệnh nhưng chiếu dời đô của Lý Công Uẩn rất có sức thuyết phục bởi nó hợp lẽ trời, lòng dân. Tác giả sử dụng hệ thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng điệu mạnh mẽ để thuyết phục dân chúng tin và ủng hộ quyết định của mình.

Bài viết liên quan