Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều lớp 10 hay đầy đủ


Phân tích đoạn trích Trao duyên trong Truyện Kiều lớp 10 hay đầy đủ

Hướng dẫn

Tên thực của “Truyện Kiều” là “Đoạn trường tân thanh”, thường được hiểu là “tiếng kêu đứt ruột”. Trong đó có vô vàn tiếng kêu đau thương và “Trao duyên” có lẽ là tiếng kêu đứt ruột đầu tiên mở màn cho một chuỗi dài những đau thương chất chồng lên cuộc đời truân chuyên của người con gái tài sắc. Nếu Thúy Kiều đứt ruột trao duyên, thì Nguyễn Du cũng đã viết nên cảnh “Trao duyên” bằng những lời thơ tan nát can tràng.

“Trao duyên” được mở đầu bằng hai câu thơ mà khi nói về vẻ đẹp của ngôn ngữ “Truyện Kiều” ít ai không nhắc đến. Nó giản đơn như những lời nói thông thường mà chân xác như mọi câu thơ hàm súc nhất:

  • “Cậy em, em có chịu lời
  • Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”

Tại sao lại dùng “cậy” mà không dùng “nhờ”, giáo sư Lê Trí Viễn giải thích ngoài lí do thanh điệu “trắc” gây một điểm nhấn lắng đọng cho câu thơ, còn vì chữ “cậy” bao hàm cái ý hy vọng tha thiết của một lời trối trăng, có ý nương tựa, gửi gắm, tin tưởng nơi quan hệ ruột thịt. Nếu dùng “nhờ” thì bấy nhiêu ý nghĩa sẽ nhạt hết. Còn nói “chịu”  nghĩ là sự bắt buộc, còn “nhận” là tùy ở người nghe. Trong trường hợp này, Kiều muốn em không được từ chối lời đề nghị của mình. Lời lẽ thắt buộc được lựa chọn chính xác, chặt chẽ. Ở đây vị thế có sự thay đổi, thể hiện qua hai chữ ‘lạy” và “thưa”. Đó là tư thế của người chịu ơn với ân nhân của mình. Kiều van nài em bằng tất cả nỗi đau và niềm tin của mình. Ở đó có cả tư thế của người chị và người van xin.

Lời thưa của Thúy Kiều rất rõ ràng, vắt tắt, dứt khoát:

  • “Giữa đường đứt gánh tương tư
  • Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”

Người xưa xem tình yêu là một gánh nặng, nghĩa vụ cho nên mới nói “gánh tương tư”. Mà giữa đường đứt gánh thì dang dở vô cùng. Hình ảnh thơ đã nói rõ tình trạng bất lực của Thúy Kiều. Mọi việc phó thác cho em gánh. Thúy Kiều thấu hiểu cảm giác và tình cảnh thiệt thòi của em nên nói thẳng ra. “Mặc em” có nghĩa là phó mặc cho em đó, dở hay gì em cũng phải gánh vác cho chị. Câu thơ còn mang giọng điệu người chị phó thác cho em nên càng thêm sức nặng. Bốn câu thơ đã nói hết tình trông cậy, uỷ thác và nài ép, không cho em chối từ.

>> Xem thêm:  Phân tích đoạn 1 bài Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Nhờ cậy xong Kiều mới nói lí do:

  • “Kể từ khi gặp chàng Kim,
  • Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
  • Sự đâu sóng gió bất kì
  • Hiếu, tỉnh khôn lẽ hai bề vẹn hai”.

Nội dung thông báo cụ thể, rõ ràng, nhưng sự trùng điệp ba chữ “khi”: khi gặp, khi ngày, khi đêm đã nói lên sự thề ước nhiều lần sâu nặng, không thể nuốt lời, nên phải nhờ em.

Từ đây Kiều chuyển sang phân tích ý nghĩa:

  • “Ngày xuân em hãy còn dài,
  • Xót tình máu mủ, thay lời nước non
  • Chị dù thịt nát xương mòn,
  • Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

Tuổi trẻ còn lâu dài, vì thương chị mà thay chị nốì tình với Kim Trọng thì chị dẫu chết cũng hả dạ, vì có được tiếng thơm là người có tình nghĩa với chàng. Nhưng điều đặc biệt là từ đây trở đi Kiều coi mình như đã chết, như người chết. Câu “Ngày xuân em hãy còn dài” có nghĩa là “Ngày xuân của chị đã hết rồi”, chị chỉ còn “thịt nát xương mòn” và “ngậm cười chín suối”, nơi cõi chết, chín suối (cửu tuyền) là nơi đất rất sâu, chỗ người ta mai táng người chết.

Đoạn “Trao duyên” phải là một cuộc đối thoại, chuyện trò. Nhưng thực tế lại diễn ra như một cuộc độc thoại. Thúy Vân hầu như không lên tiếng. Nàng im lặng chịu lời. Và thế là Kiều phải làm nốt cái phần việc cuối cùng và khó khăn nhất: trao lại kỉ vật cho Vân. Bắt đầu từ giây phút này đây, chàng Kim sẽ vĩnh viễn thuộc về người khác. Câu thơ như một nỗi nghẹn ngào:

  • “Chiếc vành với bức tờ mây,
  • Duyên này thì giữ vật này của chung!”

Hai chữ “của chung” chất chứa bao đau xót. Kỉ vật tình yêu chỉ thiêng liêng khi nó là tín vật, là nhân chứng thầm kín của riêng hai người. Còn từ bây giờ, nó đã thành “của chung”. Người ta đã nhận ra nỗi xót lòng ẩn trong chữ ấy. Nhưng câu thơ còn giấu trong nhịp điệu của nó một nỗi đau khác, cũng hết sức sâu kín của nàng Kiều. Nguyễn Du có không ít những câu bát dùng hai chữ “này”, lối điệp từ ấn tượng. Hai chữ “này” nằm trong điểm nhấn ngữ điệu, nên lời thơ cất lên bỗng như dằn lòng, như day dở. Nó gợi ra thoáng giằng co giữa tình cảm và lý trí. Lý trí đã quyết định trao duyên, trao kỷ vật, song tình cảm vẫn như cố trì hoãn, níu giữ. Cố dằn lòng mà không thể cầm lòng.

>> Xem thêm:  Soạn bài thực hành phép tu từ ẩn dụ và hoán dụ

Ngay sau giây phút dặn dò, sự hụt hẫng, thiếu vắng, mất mát đã choáng ngợp trong tâm trí. Vì đã mất người, kỳ vật hôm nay bỗng chốc trở thành “ngày xưa”:

  • “Mất người còn chút của tin,
  • Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”

Lời thề nguyền vừa qua có mấy ngày, nhưng trong khoảnh khắc, sự trống vắng khiến kỉ niệm bị đẩy về “ngày xưa”. Tất cả trở nên huyền hoặc, khó nắm bắt. Kiều nói với Thúy Vân:

  • “Dù em nên vợ nên chồng,
  • Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!”

Thúy Kiều mong được người ở lại cảm thông, chia sẻ. Những chữ “xót người”, “ắt lòng” vang lên nghe thật xót xa. Người “mệnh bạc” đặt tương phản với “nên vợ nên chồng”. Đối lập với số phận hẩm hiu của Kiều và cuộc sống hạnh phúc của Vân và Kim. Còn gì đau đớn hơn khi hình dung ở tương lai có hạnh phúc của Vân và Kim, còn nàng thì thịt nát, xương tan. Nơi đó là tương lai mịt mù khi trong hạnh phúc của người không có mình. Nơi đó Kiều phải sống cô đơn, trong sự chao đảo giữa mất và còn, cho đi và nhận lại, quá khứ và hiện tại. Quá khứ là tình chị, hiện tại là duyên em. Kiều tưởng tượng ra cái chết của mình:

  • “Mai sau dù có bao giờ,
  • Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
  • Trông ra ngọn cỏ gió cây,
  • Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về
  • Hồn còn mang nặng lời thề,
  • Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”

Hóa ra linh hồn Kiều dù có chết nhưng không siêu thoát, vì nặng tương tư. Trở về vì lời thề chưa trả, còn nặng trĩu mối tình. Khi tình yêu trao đi, mối duyên đã đứt thì cuộc đời và tương lai trở thành giấc mộng hãi hùng. Tình yêu không còn, ý nghĩa sự sống đã mất, Kiều cảm thấy đau đớn và bất lực.

>> Xem thêm:  Cảm nhận bài ca dao Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

Quên mất thực tại để chìm sâu vào trong lòng, đấy là lúc bi kịch dâng lên trầm trọng. Kiều như thanh minh, tạ lỗi với chàng Kim. Mong muốn ở chàng một sự cảm thông, thấu hiểu:

  • “Bây giờ trâm gãy, gương tan
  • Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân”

Nghĩ về quá khứ mà không thôi thổn thức. Nghĩ đến hiện tại “trâm gãy, gương tan” mà phũ phàng, đau đớn. Nghĩ về tương lai “Mai sau… dạ đài cách mặt khuất lời” mà càng bội phần đau đớn. Muôn vàn ái ân phút này đã hóa thành muôn vàn đau đớn.

Ngán ngẩm cho số kiếp đen bạc của mình, nàng cất lên tiếng than thân của đàn bà. Nàng sa vào mặc cảm phũ phàng, tội lỗi. Mở đầu lạy em gái, kết thúc lạy người yêu. Nàng thấy mình là kẻ bội tình và những mong được tha thứ:

  • Trăm nghìn gửi lạy tình quân
  • Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
  • Phân sao phận bạc như vôi?
  • Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”

Và cuối cùng như òa lên, câu thơ không nói gì đến nước mắt, nhưng chúng ta biết lời Kiều đang vỡ òa trong nước mắt, nức nở cay cực:

  • “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
  • Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây"

Nguyễn Du đã dụng công miêu tả tâm lý, sự vận động nội tâm nhân vật, cũng có thể nói Nguyễn Du đã đạt đến phép biện chứng của tâm hồn. Chỉ qua đoạn "trao duyên", chúng ta cũng cảm nhận được Thúy Kiều là một cô gái giàu tình cảm, giàu đức hi sinh, có ý thức về tình yêu và cuộc sống. Một nhân cách như vậy mà vừa chớm bước vào đời như một bông hoa mới nở đã bị sóng gió dập vùi tan tác. Nói như Mộng Liên Đường Chủ nhân là khúc đoạn trường này như có máu rỏ trên đầu ngọn bút của Nguyễn Du, như có nước mắt của thi nhân thấm qua trang giấy. Hơn hai trăm năm rồi, những giọt nước mắt nhân tình ấy vẫn chưa ráo?

Bài viết liên quan