Phát biểu cảm nghĩ về bài Bánh Trôi Nước của Hồ Xuân Hương


Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương.

Bài làm

Hồ Xuân Hương là một trong những nữ thi sĩ xuất sắc nhất trong nền văn học Việt Nam bởi phong cách sáng tác độc đáo cũng như hồn thơ “thanh thanh tục tục” và Xuân Diệu tôn xưng “bà chúa thơ Nôm”. Bài thơ “Bánh trôi nước” là một minh chứng cụ thể:

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương bắt đầu từ chuyện chiếc bánh trôi nước nhưng kết thúc thì không dừng lại ở chuyện một món ăn dân tộc mà thông qua hình tượng bánh trôi nước, nữ thi sĩ ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ và phê phán xã hội lễ giáo phong kiến khắt khe, cổ hủ.

“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”

Câu thơ đầu tiên bắt đầu từ âm hưởng đậm chất ca dao dân ca với từ “thân em”

“Thân em như dải lụa đào,

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”

“Thân em như giếng giữa đình

Người ngoan rửa mặt, người phàm rửa chân”

“Thân em như hạt mưa sa

Hạt rơi giếng ngọc, hạt ra ngoài đồng”

Từ “thân em” gợi nên thân phận người phụ nữ bèo bọt, truân chuyên, phụ thuộc, rẻ rúng. Còn trong thơ Hồ Xuân Hương, tác giả cảm nhận vẻ đẹp của người phụ nữ rất con gái Việt “trắng” và “tròn” nói lên vẻ đẹp trong sáng, tinh  khiết, đậm đà, đằm thắm, phúc hậu. Vẻ đẹp này toát lên từ việc tác giả sử dụng hình ảnh chiếc bánh trôi nước có dạng hình tròn mà màu trắng trong.

>> Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến

phat bieu cam nghi ve bai banh troi nuoc cua ho xuan huong - Phát biểu cảm nghĩ về bài Bánh Trôi Nước của Hồ Xuân Hương

Phát biểu cảm nghĩ về bài Bánh Trôi Nước

Tuy đẹp, nhưng số phận lại hoàn toàn trái ngược với lẽ thông thường:

“Bảy nổi ba chìm với nước non”

Từ “bảy nổi ba chìm” rất giàu chất văn học dân gian. Trong văn học dân gian, từ “ba chìm bảy nổi” thường ám chỉ thân phận long đong, lận đận của tương lai con người, nhất là người phụ nữ. Trong nghĩa thực, tác giả nói đến trạng thái chìm nổi của bánh trôi nước khi luộc chín. Còn với nghĩa biểu tượng, tác giả muốn nhấn mạnh đến số phận của người phụ nữ xưa.

Sang câu thơ thứ ba, Hồ Xuân Hương thể hiện sự phụ thuộc của số phận người phụ nữ:

“Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”

Trong thực tế, khi luộc bánh trôi nước rất dễ bị nát nếu luộc quá kĩ còn nếu luộc chưa đủ sẽ bị rắn do vậy bánh luộc ngon hay không là phụ thuộc vào trình độ cảm tính của người nấu. Tương tự như vậy, thân phận người phụ nữ cũng chẳng khác nào chiếc bánh trôi phụ thuộc. Người phụ nữ trong xã hội cũ chịu ảnh hưởng từ tư tưởng trọng nam khinh nữ và lễ giáo “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “xuất gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, tử tử tòng tôn”… do vậy họ gần như không có quyền tự quyết định cuộc đời mình.

>> Xem thêm:  Kể lại một cảnh đẹp ở quê hương em (cánh đồng lúa, dòng sông, biển…)

Tuy nhiên, cụm từ quan hệ “mặc dầu… mà…” đã khẳng định rằng dù có ra sao thì người phụ nữ cũng luôn giữ trọn tấm lòng đẹp đẽ của mình giống như chiếc bánh trôi nước dù rắn hay nát thì nhân mật ngọt ngào bên trong vẫn không hề hấn gì:

“Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

Câu thơ giống như chân lí sống của Hồ Xuân Hương. Người phụ nữ có chịu bao sóng gió, cực nhọc, đau thương, dày vò nhưng đến cuối cùng vẫn nhất định giữ nguyên tấm lòng son sắt, thủy chung, đậm đà, thơm thảo. Hồ Xuân Hương đã mượn hình ảnh chiếc bánh trôi nước để ca ngợi vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ đồng thời qua đó vạch mặt chế độ xã hội phong kiến lắm lễ giáo khắt khe luôn chèn ép lên thân phận người phụ nữ.

Bài thơ “Bánh trôi nước” hấp dẫn từ trẻ nhỏ đến những con người tóc bạc quá nửa đầu. Bởi, bài thơ vừa thể hiện một món ăn dân tộc từ hình dáng, màu sắc tới cấu tạo, công đoạn luộc… và thông qua đó triết lí về cuộc đời con người. Bài thơ thuộc thể thất ngôn tứ tuyệt song gần như phá cách trong quy luật gieo vần cũng như sử dụng hình ảnh gần gũi, đậm chất dân gian đã chứng tỏ hồn thơ phóng khoáng và cá tính độc đáo của Hồ Xuân Hương.

>> Xem thêm:  Soạn bài đề văn biểu cảm và cách làm bài văn biểu cảm

Bài thơ “Bánh trôi nước” giống như bản tự thuật của Hồ Xuân Hương về chính cuộc đời đa đoan, truân chuyên của mình. Bài thơ thay người phụ nữ nói lên tiếng lòng thiết tha mà họ không thể trực tiếp bộc lộ thời bấy giờ.

Hoài Lê

Bài viết liên quan