Trình bày cảm nhận về bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương


Dựa vào văn bản thơ Tự tình II vừa được học, anh chị hãy viết bài văn để trình bày cảm nhận về bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương.

I. Dàn ý chi tiết cho đề cảm nhận về bài thơ Tự tình

1. Mở bài

Giới thiệu tác phẩm: Tự tình là một trong những bài thơ hay nhất của Hồ Xuân Hương viết về những tâm sự thầm kín của bản thân, bộc lộ khát khao hạnh phúc đến cháy bỏng.

2. Thân bài

– Tự tình II nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài thơ của Hồ Xuân Hương, nội dung chủ đạo của chùm tự tình là bày tỏ nỗi lòng, tâm sự thầm kín  của tác giả trước số phận bất hạnh.

– Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương đã gợi mở ra thời gian đêm khuya cùng không gian hoang vắng, tịch mịch để làm nền cho nhân vật trữ tình xuất hiện và bộc lộ những tâm tư thầm kín

+ “Đêm khuya” là khoảng không gian đặc biệt, thời điểm nửa đêm về sáng, đây cũng là khoảng thời gian con người đối diện với chính mình cùng những tâm tư, trăn trở sâu sắc.

+“văng vẳng” của tiếng trống canh càng khắc sâu vào lòng người sự cô đơn, lạc lõng.

+ “Trơ cái hồng nhan với nước non”, câu thơ là lời giãi bày trực tiếp của nhân vật trữ tình về cuộc đời hẩm hiu của bản thân.

– Bế tắc trong tâm trạng lạc lõng, cô đơn, nhân vật trữ tình đã tìm đến rượu để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực

+ hơi rượu không làm cho người phụ nữ ấy quên đi tất cả mà càng khơi sâu hơn vào nỗi đau, nỗi cô đơn, lạc lõng “chén rượu hương đưa say lại tỉnh”.

+ Trong trạng thái say – tỉnh, nhân vật trữ tình càng ý thức sâu sắc hơn về sự lỡ làng của tình duyên, cảm nhận thấm thía nhất nỗi đau, sự bất hạnh của thân phận.

+ “khuyết chưa tròn” có thể là hình ảnh thực cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ cho tình duyên dang dở, chưa trọn vẹn.

– Từ nỗi đau xót về tình duyên dang dở, nhân vật trữ tình đã thể hiện ý thức sâu sắc về tình duyên, hạnh phúc không trọn vẹn của chính mình.

>> Xem thêm:  MS261 - Viết về thần tượng của em

+ hình ảnh thơ rêu xiên ngang mặt đất, đá đâm toạc chân mây còn thể hiện sự bất bình, phẫn uất và cả sự phản kháng mạnh mẽ của nhà thơ trước số phận hẩm hiu, dang dở đó.

– Trước sự chảy trôi vô tình của thời gian, tuổi xuân người con gái cũng dần trôi đi trong sự ngỡ ngàng, xót xa đến tột cùng.

– “Mảnh tình san sẻ tí con con” thủ pháp nghệ thuật tăng tiến đã nhấn mạnh đến sự nhỏ bé dần, làm cho tình cảnh đã hẩm hiu càng thêm xót xa.

3. Kết bài

Bài thơ Tự tình là những tâm sự đầy xót xa, cay đắng của nữ sĩ trước tình duyên lận đận, không trọn vẹn, Càng khát khao hạnh phúc bao nhiêu thì thực tại đau khổ càng đẩy con người vào đáy sâu của tuyệt vọng, bẽ bàng bấy nhiêu.

II. Bài tham khảo cho đề cảm nhận về bài thơ Tự tình

Hồ Xuân Hương là gương mặt nhà thơ tiêu biểu, cá tính bậc nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam. Bà viết về người phụ nữ bằng tất cả những đồng cảm, trân trọng và bằng chính những trải nghiệm của bản thân, một người phụ nữ tài sắc nhưng lại có số phận truân chuyên, lận đận. Tự tình là một trong những bài thơ hay nhất của bà viết về những tâm sự thầm kín của bản thân, bộc lộ khát khao hạnh phúc đến cháy bỏng.

Tự tình II nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài thơ của Hồ Xuân Hương, nội dung chủ đạo của chùm tự tình là bày tỏ nỗi lòng, tâm sự thầm kín  của tác giả trước số phận bất hạnh, thân phận hâm hiu của bản thân cũng như rất nhiều phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Mở đầu bài thơ, Hồ Xuân Hương đã gợi mở ra thời gian đêm khuya cùng không gian hoang vắng, tịch mịch để làm nền cho nhân vật trữ tình xuất hiện và bộc lộ những tâm tư thầm kín:

>> Xem thêm:  Bình giảng bài thơ Chạy giặc của Nguyễn Đình Chiểu

“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”

trinh bay cam nhan ve bai tho tu tinh cua ho xuan huong - Trình bày cảm nhận về bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương
Trình bày cảm nhận về bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương

“Đêm khuya” là khoảng không gian đặc biệt, thời điểm nửa đêm về sáng, đây cũng là khoảng thời gian con người đối diện với chính mình cùng những tâm tư, trăn trở sâu sắc. Gắn liền với thời gian đêm khuya là không gian tịch mịch,vắng lặng với âm thanh “văng vẳng” của tiếng trống canh càng khắc sâu vào lòng người sự cô đơn, lạc lõng. Động từ “dồn” gợi ra sự hối hả, gấp gáp, đặt trong câu thơ “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn” đã gợi ra liên tưởng về những bước đi vội vã, vô tình của thời gian, đó cũng chính là tâm trạng thấp thỏm, lo âu của con người khi ý thức được sự chảy trôi của thời gian, của đời người.

“Trơ cái hồng nhan với nước non”, câu thơ là lời giãi bày trực tiếp của nhân vật trữ tình về cuộc đời hẩm hiu của bản thân. “Hồng nhan” là hình ảnh của người phụ nữ, nước non lại là không gian rộng lớn, bất tận của cuộc đời, câu thơ nhấn mạnh đến cảm giác cô đơn, trống vắng cùng cảm giác bẽ bàng, tủi hổ.

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”

Bế tắc trong tâm trạng lạc lõng, cô đơn, nhân vật trữ tình đã tìm đến rượu để giải tỏa những cảm xúc tiêu cực nhưng dường như hơi rượu không làm cho người phụ nữ ấy quên đi tất cả mà càng khơi sâu hơn vào nỗi đau, nỗi cô đơn, lạc lõng “chén rượu hương đưa say lại tỉnh”. Trong trạng thái say – tỉnh, nhân vật trữ tình càng ý thức sâu sắc hơn về sự lỡ làng của tình duyên, cảm nhận thấm thía nhất nỗi đau, sự bất hạnh của thân phận.

Hình ảnh vầng trăng bóng xế gợi hình dung về vầng trăng đang tàn, “khuyết chưa tròn” có thể là hình ảnh thực cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ cho tình duyên dang dở, chưa trọn vẹn. Câu thơ như khắc sâu vào lòng người đọc nỗi xót xa trước khát khao tình yêu đến cháy bỏng của nhân vật trữ tình nhưng thực tế lại phũ phàng không như y nguyện.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về bố của em

Từ nỗi đau xót về tình duyên dang dở, nhân vật trữ tình đã thể hiện ý thức sâu sắc về tình duyên, hạnh phúc không trọn vẹn của chính mình:

“ Xiên  ngang mặt đất, rêu từng đám

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn”

Trong hai câu luận, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ kết hợp với động từ mạnh “ xiên ngang”, “đâm toạc” để gợi ra bức tranh thiên nhiên sinh động, giàu sức sống lại có những chuyển động cụ thể như đang diễn ra trước mắt người đọc. Tuy nhiên, từ hình ảnh thơ rêu xiên ngang mặt đất, đá đâm toạc chân mây còn thể hiện sự bất bình, phẫn uất và cả sự phản kháng mạnh mẽ của nhà thơ trước số phận hẩm hiu, dang dở đó.

“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại

Mảnh tình san sẻ tí con con”

“Ngán” là trạng thái chán chường, mệt mỏi trước tình duyên éo le, bạc bẽo, “xuân” ở đây không chỉ gợi liên tưởng về thời gian tuần hoàn của vũ trụ mà còn là tuổi xuân của con người. Trước sự chảy trôi vô tình của thời gian, tuổi xuân người con gái cũng dần trôi đi trong sự ngỡ ngàng, xót xa đến tột cùng. “Mảnh tình san sẻ tí con con” thủ pháp nghệ thuật tăng tiến đã nhấn mạnh đến sự nhỏ bé dần, làm cho tình cảnh đã hẩm hiu càng thêm xót xa. Mảnh tình đã nhỏ bé đến mức khó nhận biết lại còn “san sẻ” để còn lại tí con con.

Bài thơ Tự tình là những tâm sự đầy xót xa, cay đắng của nữ sĩ trước tình duyên lận đận, không trọn vẹn, Càng khát khao hạnh phúc bao nhiêu thì thực tại đau khổ càng đẩy con người vào đáy sâu của tuyệt vọng, bẽ bàng bấy nhiêu. Đó không chỉ là chuyện tình duyên dang dở, bất hạnh của riêng nhà thơ mà còn là số phận chung của rất nhiều phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Bài viết liên quan