Giải thích câu nói Học học nữa học mãi


Đề bài: Giải thích câu nói Học học nữa học mãi

Bài làm

“Bể học mênh mông tựa đất trời

Khuyên con gắng học chớ ham chơi”

Phải, việc học là vô cùng quan trọng và nó diễn ra trong suốt cuộc đời của mỗi con người lại thêm bể học mênh mông vô cùng khó có ai chiếm hữu được toàn bộ trí tuệ nhân loại. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta không cần thiết phải cố gắng học. Bởi Lê-nin đã nói rồi: “Học, học nữa, học mãi”.

Câu nói “Học, học nữa, học mãi” đã chỉ ra một đạo lí sống đúng đắn trong cuộc sống. Học ở đây là học tập, nhưng nó không đơn giản bó buộc trong nhà trường mà là trong mọi nơi và mọi thời điểm của cuộc sống mỗi người. Bể học là vô hạn vì vậy quá trình tiếp nhận tri thức cũng không bao giờ ngừng lại. Câu nói là chiếc chìa khóa cho thành công.

Có nhiều quan điểm tương tự như Lê-nin, trong đó có câu nói tôi rất thích: “Học tập là cuốn vở không có trang cuối”. Tôi sẽ lấy một ví dụ đơn giản để chứng minh kiến thức là vô hạn. Bắt đầu từ khi sinh ra, con người chỉ là một cá thể sống phụ thuộc vào người mẹ. Lớn lên, đứa trẻ bắt đầu phải học mọi thứ từ ăn, nằm, ngồi, đi, chạy, nói… Khi đi học, kiến thức về con người, văn hóa, tư duy, ứng xử… cũng phải học. Khi trưởng thành, chúng ta phải học nghề, học kiếm sống, xã giao… Ngay cả khi gần đất xa trời, chúng ta vẫn duy trì việc học bằng cách tiếp nhận thông tin xã hội. Việc học là không dừng lại ở bất kì thời điểm nào.

>> Xem thêm:  Chứng minh rằng mỗi chúng ta đều cần thực hành tốt lối sống tiết kiệm

giai thich cau tuc ngu hoc hoc nua hoc mai - Giải thích câu nói Học học nữa học mãi

Giải thích câu nói Học học nữa học mãi

Vậy tại sao phải học rồi phải học suốt đời. Bởi việc học rất quan trọng. Thử nói xem nếu không có quá trình học tập, con người làm sao biết nói, biết đi chứ chưa bàn đến chuyện biết làm việc, kiếm sống. Học cũng là nhu cầu tất yếu của con người. Con người vì sao lại trở thành một loài động vật bá chủ muôn loài, bởi con người có trí tuệ, Chính việc học đã thúc đẩy con người phát triển vượt trội và tạo ra sức mạnh cho mình. Cũng tương tự như chuyện vì sao hổ lại là chúa tể rừng xanh trong khi nó không phải loài to nhất hay khỏe nhất, là bởi nó là loài động vật có khả năng săn mồi điêu luyện nhất. Do vậy, học tập tạo nên sức mạnh cho con người.

Thực tế cuộc sống đã có không ít những người nhờ một bộ óc tuyệt vời mà họ trở thành kẻ nắm giữ sức mạnh. Rất quen thuộc với chúng ta ấy là những con người như Các Mác, Lê-nin, Hồ Chí Minh… đều là những người lãnh đạo kiệt xuất. Hồ Chí Minh suốt đời rèn luyện và nâng cao trí tuệ bản thân bằng cách học tập. Không thầy, không vật chất, Hồ Chí Minh vẫn có thể học và đọc thông thạo nhiều ngoại ngữ khác nhau. Người đã dùng chính những kiến thức ấy để bác bỏ luận điệu xảo trá của kẻ thù. Đó là biểu hiện cao nhất của giá trị từ việc học.

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về thầy cô giáo của em

Vậy làm thế nào để “Học, học nữa, học mãi”? Câu trả lời tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra. Với mỗi học sinh chúng ta, học tập nên bắt đầu từ việc hoàn thành tốt mọi nghĩa vụ và trách nhiệm ở trường học. Trường học là nơi dạy chúng ta kiến thức, bồi dưỡng đạo đức và cách ứng xử đúng đắn. Trường học là môi trường học tập tuyệt vời.

Để quá trình học tập tốt, sự nỗ lực, kiên trì là vô cùng cần thiết. Học là chuyện cả đời, do vậy nếu không nỗ lực tiếp thu mỗi ngày thì không thể nào thành công được. Có thể ta sinh ra không được lựa chọn hoàn cảnh cho mình nhưng chúng ta có quyền lựa chọn con đường học tập. Và quả thực, tri thức công bằng với tất cả mọi người. Chỉ cần biết nỗ lực, tri thức luôn nằm trong tầm tay của chúng ta và thành công ắt sẽ đến.

Mọi người sinh ra đều bình đẳng với nhau nhưng giá trị đích thực của họ lại nằm ở học vấn. Câu nói “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin nhắc nhở chúng ta phải luôn luôn không ngừng học tập để phát triển bản thân.

Hoài Lê

Bài viết liên quan