MS171 – “Chiếc thuyền ngoài xa”- Những trăn trở về nghệ thuật và nghiệp cầm bút qua trang văn của Nguyễn Minh Châu


Đề bài: “Chiếc thuyền ngoài xa”- Những trăn trở về nghệ thuật và nghiệp cầm bút qua trang văn của Nguyễn Minh Châu

Bài làm

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết rằng: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm và tâm điểm của nó là con người”. Có lẽ điều ấy như là quy luật muôn đời của nghiệp cầm bút. Văn học vốn là địa hạt của cuộc sống, nơi ấy nhà văn – những con người “máu nóng” phải ngụp lặn, cọ xát trong trường đời hối hả nóng rấy ngoài kia, nơi có nước mắt và nụ cười, những giọt buồn giọt vui của nhân loại để nếm trải mọi dư vị của cuộc sống để mà cảm thông thấu hiểu với đời với người và hơn hết là đưa vào trang viết của mình cái hôi hổi, nóng rẫy sự sống mà ở trên đó chứa đựng những vang ngân của cuộc đời. Nếu người nghệ sĩ không bao giờ “mở lòng mình đón những vang âm của cuộc đời” họ sẽ không bao giờ tiệm cận được với cuộc đời, với cái đẹp ẩn sau trong mạch nguồn của cuộc sống. Và trong những làn sóng biển mang hương vị mặn mòi đắng chát, những chiếc thuyền cập bến ra khơi rồi lại trở về, là những mảnh đời lam lũ, sống để giành giật lấy một cuộc sống bớt đau khổ hơn. Dưới những “góc máy” sắc nét của Nguyễn Minh Châu “ Chiếc thuyền ngoài xa” cứ lặng lẽ mà cập bến vào lòng người những sự vỡ lẽ giật mình và ẩn chứa một cái nhìn đầy da diết băn khoăn với cuộc thế, nhân sinh của người cầm bút.

Người ta thường nói văn của Nguyễn Minh Châu là thứ văn chương thuộc loại đạm sau khi đã nồng lên nhiều tầng lớp ý nghĩa. Nó không cạn, không mỏng mà ấm, mà dày khiến bạn đọc phải day dứt, và là một lần nữa cho nhà văn tự vấn lại chính mình. Đọc “Chiếc thuyền ngoài xa” dường như ta thấy được những triết lí sâu sắc về nghệ thuật về sáng tác của một ngòi bút sống “bén rễ” ở cuộc đời.

chiec thuyen ngoai xa - MS171 - “Chiếc thuyền ngoài xa”- Những trăn trở về nghệ thuật và nghiệp cầm bút qua trang văn của Nguyễn Minh Châu

Tuyên ngôn về nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm này khởi nguồn từ hình ảnh một chiếc thuyền ngoài xa đầy ám ảnh và mang tính biểu tượng. Chiếc thuyền từ ngoài khơi tiến vào bờ trong sớm ban mai thật là một kiệt tác của tạo hóa, nó “thực đơn giản và toàn bích”, cái khoảnh khắc thăng hoa nhất của một đời cầm máy, “một cảnh đắt trời cho như vậy”. Giây phút ngắm bức tranh sông nước hoàn mĩ ấy người nghệ sĩ đã phải trầm trồ ngỡ mình “vừa khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đẹp là thế ấy vậy mà khi chiếc thuyền tiến lại gần nó mang đến một sự thật trần trụi khiến phóng viên Phùng trong mấy phút đầu “ cứ đứng há hốc mồm ra mà nhìn”. Bởi trong chiếc thuyền những tưởng thơ mông ấy có cả một gia đình làng chài nheo nhóc, những kiếp đời khốn khó, những tình huống vừa đáng thương vừa đáng giận, một cuộc sống tồi tệ và quá nghiệt ngã. Gần cuối truyện, vẫn là hình ảnh chiếc thuyền ấy nhưng là trước một cơn giông tố đang tới gần. Hàm ý tượng trưng mạnh hơn, bởi nó như một dự cảm về sự thay đổi lớn diễn ra ở phía trước.Và rồi theo những dấu chân của những kiếp sống cơ cực miền biển, Nguyễn Minh Châu đã mang đến cho chúng ta một lát cắt mới của cuộc đời. Người ta sẽ mãi ám ảnh về người đàn bà hàng chài cam chịu, lam lũ, vì đàn con, vì chuyện miếng cơm manh áo mà chị ta đã tự nguyện chịu đựng cảnh bạo lực như vậy để giữ chồng bởi vốn theo chị “là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông” – một sự thật nghe sao mà đắng cay và xót xa đến như vậy. Người ta khó có thể chấp nhận được hành động bạo lực của người chồng thế nhưng cũng giống bao kiếp đời nơi miền biển, gã cũng là nạn nhân của đói nghèo và lạc hậu, vừa đáng trách mà lại đáng thương. Chính nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng từng chia sẻ rằng: “Trong mỗi con người đang sống, có lẫn người tốt, kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ. Chúng ta là con người, không thể tránh khỏi sai lầm, để phần con lấn át phần người”. Phải sống sâu sắc về người với đời nhà văn mới có thể chiêm nghiệm được những điều như vây.

>> Xem thêm:  MS36 - Cảm nhận về bài thơ Tự tình II của Hồ Xuân Hương

Có thể nói rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” là sự trở mình về quan điểm về nghệ thuật và sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm ra đời năm 1983 – thời kì mà dân tộc bước vào giai đoạn đổi mới và văn học cũng phải thay một tấm áo mới. Ngược dòng thời gian có thể thấy những năm kháng chiến 1945-1975 văn học luôn mang không khí hào sảng,phản ảnh kịp thời cuộc sống lao động và chiến đấu của dân tộc, động viên tinh thần chiến đấu và xây dựng quê hương,dù trong khói lửa bọn đạn hình ảnh con người vẫn thật đẹp và mang tầm vóc sử thi. Thế nhưng “Chiếc thuyền ngoài xa” như một tuyên ngôn về nghệ thuật của người nghệ sĩ. Rằng văn học phải là cuộc sống, một cuộc sống đa chiều không dễ phản ánh nắm bắt theo lối chụp ảnh, đã đến lúc người nghệ sĩ thoát khỏi một nền văn học minh họa, đừng đi vào “ cái hành lang hẹp và thấp ấy”, để cho chính mình một khoảng đất rộng rãi hơn mà sáng tạo. Như nhà văn Nam Cao cũng từng bộc bạch qua tâm niệm của văn sĩ Điền trong “Trăng Sáng”: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng kêu đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than”.

Thông qua nhân vật Phùng trong tác phẩm với những biến chuyển trong nhận thức về nghệ thuật khi đặt chân tới miền biển nắng gió và thử thách đã mang chở tâm niệm mà Nguyễn Minh Châu muốn truyền tải. Trước chuyến đi công tác, Phùng được vị trưởng phòng phân chụp một bộ lịch “Không có con người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật” – một thứ nghệ thuật không quan tâm đến con người. Hiện thực cuộc đời ở đó chỉ là những hình ảnh thật êm đềm. Và nếu răm rắp nghe theo, Phùng chỉ có thể làm được thứ nghệ thuật minh họa cho vị trưởng phòng. Chuyến đi tới miền biển kia đã cho Phùng có một cuộc đối chứng về nghệ thuật giữa nghệ thuât minh họa theo ý cấp trên và nó khác xa với nghệ thuật nói lên ý cuộc sống- một cuộc sống đầy phũ phàng và khắc nghiệt, nó khác xa với lớp sương hồng bảng lảng thơ mộng. Một lần nữa,nhà văn Nguyễn Minh Châu mang đến cho người đọc một cái nhìn chân thực và sâu sắc về mối liên hệ giữa văn học và đời sống, nhà văn với cuộc đời. Người nghệ sĩ chân chính là cần biết phát hiện, chấp nhận bản chất của cuộc đời sống dẫu nó có cay đắng đến mấy đi chăng nữa. Hãy tin rằng cuộc sống thực sẽ không bao giờ chịu ngủ yên cũng giống như một bức ảnh chụp kia sẽ chẳng thể nào đong đếm được những cảnh đời lầm than, những chất sống thực tế nhất của một miền biển, của những con người luôn giằng co với giông bão, nghèo khó. Sứ mệnh của một người nghệ sĩ là phải nói được “những sự thật ở đời” cần biết nghiền ngẫm, cần độ sâu trong sáng tác. Nghiệp cầm bút buộc những người nghệ sĩ phải làm được như thế, bởi họ không được quyền quên đi bản chất của cuộc đời của nhịp sống hiện thực ngoài kia nhưng người nghệ sĩ có làm được không? Đó thực sự là một trăn trở lớn trong “Chiếc thuyền ngoài xa”. Và chừng nào còn nghệ thuật câu hỏi ấy sẽ mai còn day dứt trong tâm khảm người nghệ sĩ. Cuối tác phẩm ý vị triết lí vẫn còn khiến người đọc ám ảnh, Phùng vẫn mang về một bức ảnh màn sương hồng về cho trưởng phòng, nó “được treo ở nhiều nơi, nhất là trong những gia đình sành nghệ thuật” thế nhưng qua bức ảnh đó, Phùng vẫn thấy “ người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phơ bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã trắng nhợt vì kéo lưới suốt đêm”. Hình ảnh người đàn bà hàng chài lam lũ cơ cực ấy vẫn hiện lên trần trụi trong một cảnh tượng đẹp như mơ. Liệu vị trưởng phòng rất hài lòng về bức ảnh hay những gia đình sành nghệ thuật kia có thể hiều được cái khắc nghiệt của cuộc đời qua bức tranh đó. Chắc chắn không thể nhưng đó không phải là lỗi của họ. Niềm trăn trở của Nguyễn Minh Châu về người nghệ sĩ và quá trình sáng tác đã nâng “Chiếc thuyền ngoài xa” lên một tầm cao mới. Dẫu biết rằng văn học và nghệ thuật có mối liên kết không thể tách rời song giữa nghệ thuật và cuộc đời vẫn cứ tồn tại một khoảng cách, cuộc sống luôn luôn là một cái đích bí ẩn vẫy gọi nghệ thuật. Dù người nghệ sĩ mong muốn lôt tả hết bản chất cuộc sống song cũng có những điều không thực hiện được, Đó vừa là bi kịch vừa là niềm vui của sáng tạo nghệ thuật chân chính. Nếu người nghệ sĩ tự hài lòng với bản thân rằng mình đã khám phá hết vẻ đẹp của con người và cuộc sống thì đâu còn đâu mà sáng tạo, còn đâu là niềm vui của nghệ thuật. Thời điểm người cầm bút có suy nghĩ đó, tức là tác phẩm anh ta viết ra không khác gì một điếu văn khai tử.

>> Xem thêm:  Phó từ

Còn nhớ nhà văn K.G. Paustovsky từng nói rằng: “Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng đêm- tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh “ Bông hồng vàng” của ta”. Qủa thực để có một tác phẩm để lại cho đời cho người, nhà văn luôn không ngừng “ đãi cát tìm vàng” tích lũy những hạt bụi trần gian ngoài kia làm thành những kiệt tác. Thiết nghĩ mỗi một tác phẩm đểu được hạ sinh từ những “cơn trở dại” của nhà văn với cuộc đời. “Chiếc thuyền ngoài xa cũng vậy”, qua tác phẩm người đọc đến với lát cắt cuộc sống rất thực để mà day dứt cảm thông và trân trọng hơn cả là thứ nghệ thuật vị nhân sinh mà Nguyễn Minh Châu tâm niệm suốt một đời cầm bút. Văn là đời, người nghệ sĩ không được phép quên. Và có làm được như vậy “đứa con tinh thần” của nhà văn mới vượt qua quy luật của sự băng hoại, sự đào thải khắc nghiệt của thời gian mà ngấm sâu vào lòng người. Trân trọng thay cho tấm lòng của một người cầm bút như vậy…

>> Xem thêm:  MS97 - Thế hệ trẻ hôm nay cần làm gì để thích ứng thời đại mới?

Lê Thu Trang

Lớp Anh 5 – Kinh tế quốc tế – Trường Đại học Ngoại Thương

Bài viết liên quan