MS41 – Ký ức màu yêu thương
Kể về một câu chuyện đáng nhớ của em
Bài làm
Về lại đây, trên mảnh đất quê hương này, nơi đã thai nghén, sinh thành, nuôi dưỡng tôi lớn lên rồi… lặng lẽ tiễn đưa người con nhỏ ra đi tìm đến những chân trời mới, tôi thảng thốt nhận ra: thời gian đã tàn nhẫn trôi qua như chớp mắt của kẻ lãng du…
Mới ngày nào, ở đây chỉ là một miền quê nhỏ bé. Đâu đâu cũng chỉ thấy cây, thấy cỏ, thấy những con đường gồ ghề sỏi đá mà thỉnh thoảng tôi chạy nhanh lại bị vấp ngã, có hét lên cũng chẳng ai nghe thấy… Vậy mà giờ đây nó đã trở mình đổi thay, như chiếc chổi phù phép của đấng sáng thế đã quét qua cả xứ sở này.
Tôi đi, đi mãi, chỉ mong tìm được một không gian màu xanh rộng lớn, một nơi mà tôi có thể tựa đầu vào gốc cây để rồi lặng lẽ thiếp đi trong lời ru dịu dàng của gió… Nhưng ước mơ cũng chỉ là mơ ước, tôi đi đâu cũng bắt gặp những tòa nhà sang trọng với thiết kế hiện đại, đường phố sạch sẽ hơn trước rất nhiều, trẻ con cũng chẳng còn chạy nhảy thoải mái ngoài đường như tôi hồi trước nữa. Nhưng, ngôi trường ấy, sau bao nhiêu năm nó vẫn vậy, vẫn ở đấy, vẫn chờ tôi trở về…
Tôi bước chân vào trường, chậm thôi, nhẹ nhàng thôi, cứ như một cử động mạnh của tôi sẽ đánh thức tất thảy những mảng kí ức đẹp đẽ đang ngủ yên dưới tàng cây, mái ngói. Tôi khẽ đưa mắt nhìn mọi vật, cái nhìn da diết và nhớ nhung đến nao lòng.
– Anh gì ơi, anh là ai vậy? Anh tới tham quan trường bọn em ạ?- Một đứa nhóc khoảng chừng mười hai tuổi ngơ ngác hỏi tôi.
– À, không, anh…
– Phong! Phải Phong không?- Tôi chưa kịp trả lời cậu bé đã nghe tiếng ai đó gọi tên tôi bằng một giọng nói ấm áp quen thuộc.
– Ơ… là cô phải không? Cô Liên phải không ạ?
– Ừ, là cô đây, bây giờ con lớn quá rồi nhỉ? Lâu lắm rồi mới gặp con, vào phòng nói chuyện với cô một chút nha.
Cô Liên, cô tổng phụ trách lúc tôi theo học tại ngôi trường này. Nhớ lúc ấy tôi phá phách lắm, gặp cô cứ như cơm bữa, nghe cô thuyết giáo biết bao điều, riết rồi thành thói quen, mỗi lần gặp cô tôi chẳng run sợ như mấy đứa mới vào trường, cũng chẳng cười hì hì như mấy anh chị cấp trên, tôi vẫn giữ bộ mặt lạnh như băng mà thản nhiên ngồi xuống trước mặt cô, cô nói gì cũng chỉ “dạ”, “vâng”…
– Phong, dạo này con thế nào rồi?
– Cũng bình thường thưa cô, con mới từ bên Mỹ về.
– Thế hả? Con làm gì bên đấy?
– Con làm nhân viên của công ty ABC thôi ạ. Cũng tại hồi đó có học hành gì đàng hoàng đâu cô.- Tôi cười
– Công ty đó nghe nói lớn lắm nha. Thấy con làm việc được ở nơi như vậy cô cũng mừng.
– À cô ơi, cô Thanh…
Nghe tôi nhắc đến cô Thanh, trong chốc lát, mắt cô bỗng đỏ hoe… Có lẽ vì chuyện trước đây?…
* * *
– Chơi này! Cho chừa cái tật trốn đi chơi này!
– A đau! Xin lỗi bố! Tha cho con! Lần sau con không dám nữa!
Chắc các bạn cũng hình dung ra được chút gì của sự việc tôi đang gặp phải rồi chứ? Bố dùng cây roi mây quất vào mông tôi liên tục, đau điếng.
– Rồi sao? Còn dám nữa không, hả?
– Dạ không, không bố ơi. Con biết lỗi rồi…
– Thôi tha cho nó đi, con nó biết lỗi rồi.-Mẹ tôi lên tiếng
– Phải vậy lần sau nó mới chừa được. Con với cái học hành chẳng đâu vào đâu. Cứ thế này thì lớn lên lấy gì mà ăn hả?
– Con… tại tụi bạn rủ nên con mới đi mà!
– Cấm cãi! Con cái kiểu gì không biết! Nhịn ăn sáng lấy tiền trốn học đi chơi thế đấy!
– Nhưng tại…
– Còn nói nữa thì cút ra khỏi nhà ngay!
– Con…- Tim tôi như thắt lại khi nghe câu nói đó. Tôi chạy nhanh ra khỏi nhà, chẳng biết đang chạy đi đâu, chỉ thấy là mình đang chạy về phía trước, còn những giọt nước mắt cứ thế theo gió mà rơi về phía sau…
– Phong! Con đi đâu vậy?
Tôi ngoái đầu nhìn lại, là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi, cô Thanh.
– Mặc kệ con!- Tôi đứng lại, cúi gầm mặt xuống đất.
Cô đến bên tôi, đặt tay lên vai tôi nhẹ nhàng nhưng ấm áp… Tôi chưa thể nhận ra rằng, cái vỗ vai ấy sẽ là thứ khiến tôi nhớ mãi.
– Sao vậy? Con khóc sao? Chuyện gì? Kể cô nghe được không?- Một loạt câu hỏi vang lên.
– Cô chính là người gây ra chuyện này mà! Nhiều bạn cũng trốn đi như tôi những lần trước sao cô không nói? Để bố hiểu lầm tôi? Cô ghét tôi chứ gì? – Tôi hất tay cô ra khỏi người
– Không phải, cô không có ý đó, một học sinh chăm ngoan như con mà lại bị cuốn vào những thứ vô bổ ấy thì…
– Đừng có nói nữa! Đây là lần đầu tiên tôi bị trách mắng nặng nề như thế này đấy!
– Cô chỉ muốn tốt cho con thôi mà! Nếu con ngoan ngoãn, chịu khó học hành thì đâu xảy ra chuyện này!
– Nhưng…- Tôi định đáp trả nhưng lại thấy mình chẳng có lí lẽ nào để phản bác câu nói vừa rồi của cô cả. Tôi càng lúc càng bực hơn, mặt mày nóng ran, mồ hôi đầm đìa.
– Thôi nào, về nhà thôi, kẻo bố mẹ lo đấy!- Cô kéo tay tôi.
– Không! Bố đã đuổi tôi rồi! Về đó làm cái gì nữa chứ! Tránh ra!- Tôi lại tiếp tục chạy.
Rào rào… Một cơn mưa nặng hạt bất ngờ trút xuống, thấm ướt thân thể thiếu thời. Là con trai nhưng tôi thích mưa lắm, được chạy trong mưa lại càng thích, nhưng cảm giác bây giờ không phải là thích, mà là tức giận. Ngay cả cơn mưa cũng muốn cười nhạo tôi sao? Tôi một mình, mưa muôn nghìn giọt nước, tôi nhỏ bé, mưa như ôm cả đất trời. Tôi và mưa, thật sự đối lập. Cái cảm giác yêu mưa từ trước bỗng vụt mất để lại duy nhất một chữ GHÉT trong tôi. Mưa làm cảnh vật nhòe đi, khiến tôi chẳng thấy rõ xung quanh nữa. Và…
– Phong!!! Cẩn thận!!!- Tiếng hét như xé toang bức màn mưa và lao nhanh về phía tôi. Tôi ngã xuống…
Rầm! Chưa kịp hoàng hồn, tôi đã thấy trước mắt tôi là một chiếc xe ô tô và cạnh đó là… cô Thanh?
– C…cô? Cô ơi… Cô có sao không?…- Tôi run lên, không phải vì lạnh, mà vì chính sự sợ hãi, sợ cô giáo của tôi sẽ…
– Nhanh lên! Gọi xe cứu thương! Có người vừa bị tai nạn!- Người lái xe tức tốc chạy đến, quỳ xuống bên cô và gọi điện thoại, có lẽ là cho bệnh viện.
Xe đến, mọi người đưa cô lên xe. Một trong số đó hỏi tôi:
– Cháu là người quen của cô này à?
Do quá sợ hãi, tôi đã chối. Để rồi khi xe chạy, tôi mới bắt đầu đuổi theo. Chạy, chạy và chạy. Mưa, hòa quyện với giọt nước mắt của người… tạo nên một thứ gì đó khiến con người ta phải rung động. Nước mưa trong veo như thế, ngây ngô như thế, cớ sao giọt nước mắt của tôi lại biến mưa thành tấm màn của sự đau buồn… Tôi gục xuống. Chiếc xe ngày càng xa dần, xa dần rồi biến mất trong cơn mưa.
– Phong! Con làm gì ở đây? Có biết mẹ tìm con vất vả lắm không???- Mẹ tôi kéo tôi đứng dậy.
– Con… cô Thanh…- Tôi lắp bắp, đôi mắt thẫn thờ nhìn mẹ.
– Con nói gì lạ vậy? Thôi, về nhà nhanh, cảm bây giờ!
Và thế là, tôi cùng mẹ về nhà trong lúc vẫn chưa biết tình hình cô Thanh thế nào.
Sáng hôm sau, tôi đến trường như thường lệ, cô Thanh không đi dạy, cũng chẳng ai nghe nói gì về cô cả… Sau giờ học, tôi muốn đến nhà thăm cô, nhưng có gì đó làm bước chân tôi nặng hơn: tôi sợ…
– Về rồi đấy à, Phong? Con thu dọn đồ đạc, sách vở và những thứ cần thiết đi.-Vừa thấy tôi bước vào, mẹ nói.
– Làm gì vậy mẹ?- Tôi ngạc nhiên.
– Ủa, con quên rồi à? Hai ngày nữa là con sang Mỹ du học đấy. Dì con bảo lãnh nên yên tâm, mọi việc xong hết rồi, giờ chỉ còn chờ đến khi đi thôi.
Nỗi bàng hoàng vô cớ tràn vào tâm hồn tôi. Mỹ sao? Đúng rồi. Nửa tháng trước tôi đã phải trải qua một chuỗi thủ tục rườm rà để xin Visa và nhiều thứ khác để xuất cảnh. Nhưng tôi không nghĩ việc này lại nhanh đến như vậy. Thế là sắp tới tôi sẽ phải du học ở nước ngoài, phải xa quê hương, xa trường, xa bạn bè, xa cả thầy cô nữa…
Hai ngày trôi qua…
Mọi việc diễn ra quá nhanh. Tôi nhìn đồng hồ, chợt thở dài… Mới đó mà chỉ còn ba tiếng bốn mươi phút nữa là máy bay cất cánh. Tôi băn khoăn, không biết có nên đến thăm cô Thanh lần cuối hay không nhưng… vẫn cảm giác sợ ấy, tôi đã đánh mất cơ hội gặp cô trước khi đi.
* * *
– Vậy, cô Thanh bây giờ sao rồi ạ?- Tôi sốt ruột hỏi
– Cô Thanh… đã qua đời vào mùa đông năm trước… Cô thật sự rất tiếc…
Nghe đến đây, tim tôi như bị ai đó cứa vào. Máu đỏ, không chảy, nhưng thứ nước trong suốt, tinh khiết ấy lại rơi, nước mắt.
– Thật… thật vậy sao… Không, cô đang đùa con phải không? Con còn chưa xin lỗi cô Thanh mà… Không, đó không phải sự thật…
– Khi con đi, cô Thanh bị tai nạn, không đi đứng được, phải di chuyển bằng xe lăn… Nhưng cô vẫn sống tốt, vẫn tiếp đón và giảng dạy tận tình mỗi lần có học sinh đến thăm hay hỏi bài… Mọi người đều rất quý cô… Cũng chẳng ai biết vì sao cô Thanh lại gặp tai nạn nữa… Cô ấy vốn là người rất cẩn thận, tỉ mỉ đến từng chi tiết cơ mà…
“Nguyên nhân là do con…”
Tôi rất muốn nói ra sự thật nhưng có gì đó làm tôi không thể mở miệng. Tôi nhìn ra cửa sổ, à không, phải nói là nhìn vào một khoảng không vô định. Ngoài kia, trời bắt đầu mưa, những giọt nước của trời nhè nhẹ bay theo gió rồi tan vào mặt đất. Ngày hôm ấy… cũng có mưa. Tôi không thể ngờ được, lần đó lại chính là lần cuối cùng tôi nhìn thấy cô Thanh… Ánh mắt ấy, giọng nói ấy, cả cái vỗ vai nhẹ nhàng ấy nữa, tôi thực sự không thể quên. Tôi trở về đây, với mong muốn được trực tiếp nói ra lời xin lỗi năm xưa, nhưng có lẽ, đến bây giờ ước muốn ấy vẫn chưa thể thực hiện được…
– Phong này, khi nào trời tạnh mưa ta đến nhà cô Thanh thắp cho cô ấy nén nhan nhé!
– Con có thể sao? Vâng… Được thế thì tốt quá ạ!- Câu nói đó như một tia hi vọng chợt lóe lên trong lòng tôi.
… Nhà cô Thanh vẫn thế, vẫn y hệt như nhiều năm trước đây, chỉ khác là chủ căn nhà bây giờ không phải cô, mà là người em của cô. Tôi vào nhà, thắp hương, nhắm mắt lại rồi thì thầm với cô: “Cô ơi, con xin lỗi, xin lỗi vì một phút không giữ được bình tĩnh, khiến cô phải chịu giúp con tai nạn đó… Xin lỗi vì ngay lúc đó không thể đến thăm cô, chăm sóc cô. Xin lỗi vì con không thể về sớm hơn để trực tiếp nói lời xin lỗi… cũng như gặp mặt cô, lần cuối… Nhưng cô ơi, giờ đây con thật lòng xin lỗi, thật lòng hối hận. Không có cô, có lẽ con chẳng được như bây giờ… Con cám ơn cô, cám ơn cô nhiều lắm!”
… Sau lần trở về nước, tôi như thay đổi hẳn cái tính nóng nảy, hấp tấp của mình. Thay vào đó, Phong bây giờ là một con người trầm tính hơn, chững chạc hơn và suy nghĩ sâu sắc hơn rất nhiều.
Thầy cô giáo không chỉ là người truyền dạy cho chúng ta kiến thức, mà còn là người trao cho chúng ta hơi ấm đức hi sinh và lòng nhiệt thành. Thầy cô đã tô lên bức tranh ký ức của chúng ta một gam màu đẹp nhất, nó không phải màu của hạnh phúc, cũng chẳng phải màu của nỗi buồn, nó chỉ đơn giản là màu của yêu thương…
Bùi Linh Đan
Lớp 9/9, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Thừa Thiên Huế