MS524 – Mái trường – tuổi xuân cuồng dại và tương lai hối hận
Mái trường – tuổi xuân cuồng dại và tương lai hối hận
—
“Sau này khi con đã thành người lớn, con sẽ đi vòng quanh thế giới, sẽ thấy những đô thị mênh mông và những lâu đài tráng lệ nhưng con sẽ nhớ mãi ngôi nhà quét vôi trắng bình thường ấy với những cửa chớp đóng kín và khu vườn rợp bóng cây, đó là nơi đã nảy nở bó hoa đầu tiên của trí tuệ con. Con sẽ nhìn thấy ngôi trường ấy cho đến ngày cuối cùng của đời con…”
Thời gian vẫn cứ trôi qua, tuần hoàn, đều đặn, đôi khi nghiệt ngã cuốn con về một tương lai xa xôi và lãng quên đi bao nỗi niềm trong quá khứ. Tuy vậy, thời gian nó cũng mang trong mình một sứ mệnh thiêng liêng giúp khắc sâu vào tâm trí con hình ảnh một ngôi trường bình dị, một mái nhà thứ hai lặng lẽ, trầm ngâm nhưng gieo cho con mầm cây để khối óc và tâm hồn nảy nở những bó hoa đầu tiên của trí tuệ, biết níu chân con khi sắp phải chia tay. Và cũng tại ngôi trường ấy khắc vào tim con giọng nói, dáng hình thầy cô – những người lái đò tận tụy, cần mẫn ngày đêm không quản ngại gió sương đưa những lứa học trò đến bến bờ thành công.
Ảnh minh họa
Con giờ đã thành người lớn. Con đã biết đến một Paris phồn hoa, một New York tráng lệ,…và cũng không quên một ngôi trường nhỏ, ngôi trường cấp ba đã chắp cho con đôi cánh bay vào đời, dạy con biết yêu, biết cố gắng, biết trân trọng, cho con những cảm xúc chân thành và thuần khiết nhất. Trong một dịp 20 – 11 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, con về thăm trường, vẫn mái trường đã bạc màu ấy, vẫn hàng cây xanh rì rào trong gió ấy, con gặp lại mình, gặp lại thầy cô, gặp lại những năm mười bảy sôi nổi, bồng bột, vô tư… Khi ấy, con thích trốn học, thích lang thang những hàng quán, thích tụ tập bạn bè hát hò, thích chống đối, thích chọc phá thầy cô… Con của những năm mười bảy không phải là chính mình, luôn sợ toán, sợ chìm đắm trong thế giới đầy phức tạp của hình học không gian, sợ những công thức hoá là thứ ngôn ngữ nước ngoài sau tiếng Anh mà con không thể hiểu nổi. Khi ấy, con bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, cho là thừa thãi những lời răn dậy, bài vở sách bút không đủ, không hay ghi bài, con thường xuyên bị điểm kém, bị gọi phụ huynh, bị réo tên những ngày cuối 12,…
Xa rồi, lớn rồi con mới hiểu, tuổi mười bảy con đã bỏ lỡ rất nhiều. Con bỏ lỡ tri thức, bỏ lỡ cơ hội, bỏ lỡ sự tín nhiệm và tin tưởng của thầy cô. Con của hôm nay nhận ra trong mỗi lời trách móc là một lời ân tình, nhận ra trong mỗi lời khuyên là một lời góp ý. Con nhận ra sau những bản kiểm điểm, bản tường trình là hi vọng của thầy cô về tương lai của con. Con của những năm tháng tuổi trẻ cuồng dại để khi trưởng thành phải hối hận về sự cuồng dại ngây ngô của mình. Tóc thầy mỗi ngày một bạc, giọng thầy đã khàn và có những tiếng ho khan nhưng con của năm mười bảy vô tình quá, không biết rằng bao thầy cô đã vì con mà khó nhọc. Con trở về gặp trường, gặp thầy, gặp mình và sự hối hận tìm gặp con.
Cho lúc ấy, bước sang tuổi mười tám, thi đại học, không đậu, đi làm công nhân mới hiểu, đây là sự trả giá của mình. Trả giá vì ham chơi, vì không nỗi lực, trả giá vì sự thờ ơ, ham vui của mình. Nhưng có lẽ, mọi thứ đã quá muộn, tuổi trẻ đâu phải dành để vui chơi mà tuổi trẻ là dành để học tập.
Bùi Thị Chung
Lớp 12A2 – Trường THPT Như Thanh