MS556 – Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng


Đề bài: Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Bài làm

Vốn là một người nghệ sĩ tài hoa, ngoài làm thơ viết văn, Quang Dũng còn giỏi về đàn hát, viết kịch và soạn nhạc. Song, đóng góp nổi bật của ông trong sự nghiệp nghệ thuật nước nhà chủ yếu là mảng thơ ca kháng chiến, đặc biệt là bài thơ viết về người lính Tây Tiến. Qua Tây Tiến, Quang Dũng đã dựng lên một bức tượng đài uy nghi, sừng sững về hình ảnh các chiến sĩ cụ Hồ trong thời kỳ kháng chiến thực dân đầy gian khổ, hào hùng, ác liệt. Và hình tượng nghệ thuật về người lính đã làm cho bài thơ Tây Tiến tồn tại mãi với thời gian, dù trải qua bao thế kỉ vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Quang Dũng là người nghệ sĩ đa tài. Ông đã để lại trên văn đàn nghệ thuật Việt Nam một khối lượng tác phẩm lớn, đồ sộ, đặc sắc như: các tập thơ Bài Thơ Sông Hồng (1956), Rừng Biển Quê Hương (1957), Mây Đầu Ô (1986), truyện ngắn Mùa Hoa Gạo (1950),.. Phong cách thơ Quang Dũng rất đặc biệt, độc đáo, thơ ông mang một hồn phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa, thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Tây Tiến. Hình tượng người lính cách mạng mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chút lãng mạn, vừa chân thực, vừa có sức khái quát cao, đại điện cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc.

ms556 phan tich hinh tuong nguoi linh trong bai tho tay tien cua quang dung - MS556 - Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Hình tượng nghệ thuật là phương tiện phản ánh thế giới quan cuộc sống qua lăng kính chủ thể sáng tạo. Hình tượng truyền tải thông điệp tác giả muốn đối thoại với đời, với người; tái hiện chân thực tâm hồn, bản ngã; khẳng định cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ. Hình tượng được dệt nên bởi chi tiết nghệ thuật, đối với tác phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, hình tượng người chiến sĩ được tạc khắc rất tinh tế và đẹp, một bức tượng đài hoành tráng uy nghi, về những con người không chỉ mạnh mẽ, gan cường trong chiến đấu, họ còn mang trong mình lý tưởng đẹp, tâm hồn bay bổng, đa tình, rất thơ!

“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.”

Người lính Tây Tiến hiện lên vẻ đẹp của tinh thần nỗ lực, vượt lên những khó khăn gian khổ, trên chặng đường hành quân đầy khắc nghiệt. Các địa danh Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông được tác giả liên tiếp vẽ nên, gợi khung cảnh hẻo lánh, xa xôi; các từ láy giàu tính tạo hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút,..  cho thấy địa hình hiểm trở, quanh co, gập ghềnh, nguy hiểm tột cùng. Hình ảnh nhân hóa: “cọp trêu người”, “thác gầm thét” cũng được nhà thơ miêu tả để gợi sự hoang sơ, man dại; thời gian “chiều chiều”, “đêm đêm” những người lính phải thường xuyên đối mặt với nhiều hiểm nguy chốn rừng thiêng nước độc. Hình ảnh “súng ngửi trời” thể hiện tầm cao của núi non mà người lính phải vượt qua nhấn mạnh sự trắc trở, ghập ghềnh của địa hình miền núi Tây Bắc. Người lính Tây Tiến bi hùng “dãi dầu không bước nữa”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”: một sự nghỉ ngơi vĩnh viễn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Xuất thân là tầng lớp sinh viên, trí thức trẻ, những người lính Tây Tiến không quen cầm súng, nằm hang,.. cho đến khi được đứng vào hàng ngũ chiến đấu, họ mới trở thành người chiến sĩ thực sự. Thế nhưng hình ảnh anh lính trong bài thơ Tây Tiến lại được miêu tả khác đi vẻ trần trụ, đời thường của những người nông dân quen cầm cái cày, cái bừa, ngày ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” như trong bài Đồng Chí – Chính Hữu: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

>> Xem thêm:  MS436 - Phân tích hình ảnh Nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Sau chặng đường dài hành quân gian khổ, Quang Dũng vô cùng sáng tạo khi đi sâu khai thác khía cạnh vô cùng đặc biệt trong tâm hồn người lính Tây Tiến, lãng mạn, hào hoa, đa tình, đa cảm- thứ tình cảm vốn có thẳm sâu, thầm kín, ít bộc lộ của những thanh niên trí thức Hà Thành:

“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.”

Trong hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, người lính Tây Tiến vẫn không quên dành cho mình khoảng thời gian trữ tình, sâu lắng; khắc hẳn với hình ảnh gan cường, anh hùng chiến đấu trên chiến trường đầy khói lửa, mờ sương, heo hút: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/
Kìa em xiêm áo tự bao giờ”. Gỡ bỏ tấm áo lính đang mặc trên người kia, họ trở về đời thường đơn giản, bình dị, sâu sắc và giàu tình cảm. Là một người lính, họ vẫn là những chàng trai tuổi đôi mươi ôm đầy mơ mộng, hào hoa, không hão huyền, ngược lại rất đẹp và rất thơ. Những chàng lính hào hoa dành cái nhìn đắm say, tình tứ của mình cho vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Tây Bắc, hay phải chăng đó chính là hình ảnh quyến rũ, gợi cảm, e ấp của cô gái Thái mà trên quãng đường người lính hành quân qua cánh rừng họ vô tình bắt gặp. Tâm hồn người lính bay bổng, say mê trong không khí ấm áp tình người: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.” Họ luôn lạc quan, vui vẻ thể hiện được sức sống căng tràn của những chàng trai Hà Thành. Những anh hùng chiến sĩ trong Tây Tiến mang vẻ đẹp hào sảng của người lính vệ quốc nhưng cũng thể hiện những nét đẹp tươi trẻ, nghịch ngợm của những chàng trai đôi mươi đầy lãng mạn, tình cảm.  Họ mang vào chiến trường cả nét thi vị, lãng mạn trong tâm hồn “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”- Hà Nội là khung trời thương nhớ, là quê hương, cội nguồn, không gian ấy thanh bình và tươi đẹp, không giống đời sống gian khổ trên chiến trường, đó là nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân của các anh chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ. “Dáng Kiều thơm” gợi hình ảnh những thiếu nữ Hà Nội yêu kiều, kiêu sa, hình bóng người thương của lính Tây Tiến, ra chiến trường nhưng vẫn ôm ấp nhiều mộng mơ, tình yêu, không quên đi một nửa yêu thuong nơi quê nhà. Đó là nguồn động lực để họ chiến đấu nơi chiến trường gian khổ.

Đối lập với khó khăn, khắc nghiệt là hình ảnh người lính dù đau đớn, mệt mỏi vì bệnh tật và gian khó nơi chiến trường, nhưng vẫn hết sức oai phong, hiện lên thần thái “dữ oai hùm” không lẫn vào đâu được. Từng câu chữ mạnh mẽ, trang trọng mà Quang Dũng đã chắt lọc để vẽ nên hình ảnh đầy chân thực về người lính, đã tạo nên hơi thở gân guốc, rắn rỏi cũng như bản lĩnh ngang tàng, sẵn sàng vượt lên khó khăn của người chiến sĩ:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.”

Quang Dũng đưa người đọc đến với hiện thực trần trụi, gai góc khi hậu quả của những trận sốt rét rừng khắc nghiệt đã hành hạ thân xác người lính, tóc cũng không thể mọc vì thiếu thốn về vật chất, quân y, quân trang; càng xót xa hơn là hình ảnh “quân xanh màu lá”, làn da tái xanh đi như màu lá do bệnh căn bệnh quái ác, ở một khía cạnh khác có thể là hiểu là màu xanh của áo lính ngụy trang. Đó cũng là những mất mát hi sinh thầm lặng, không chỉ mất dần sức khỏe, sức trai, họ còn chấp nhận mất cả đời thanh xuân của mình mà ở những câu thơ tiếp theo ta sẽ thấy rất rõ. Hình ảnh những người lính Tây Tiến đã bị biến dạng. Họ hiện lên với chân dung hết sức kì lạ, nhưng rất đỗi bình thường, dễ hiểu đối với cuộc đời mỗi người lính phải trải qua, hi sinh, rất đáng trân trọng, tự hào. Hiện thực này cũng đã được đề cập đến trong các tác phẩm thơ viết về người lính trên mặt trận:

“Cuộc đời gió bụi pha sương máu

Đói rét bao lần xé thịt da

Khuôn mặt đã lên màu bệnh tật

Đâu còn tươi nữa những ngày hoa.”

Chi tiết “mắt trừng” thể hiện cái nhìn dữ dội, người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp của những người tráng sĩ xưa, giận dữ, căm ghét, “trừng” với quân thù, sẵn sàng hi sinh để đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước bất cứ lúc nào. “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.” Hình tượng người lính được đặt trong không gian chiến trường đầy hào hùng, cổ xưa, nhà thơ Quang Dũng đã sử dụng hàng loạt những từ Hán Việt “biên cương”, “mồ viễn xứ”, “áo bào” để làm tăng tính trang trọng cho khung cảnh ra đi đẫm nước mắt của người lính Tây Tiến. Chốn biên ải xa xôi “miền viễn xứ” ấy cũng chính là nơi chiến đấu, là nơi ra đi không ngày trở lại, mãi mãi nằm xuống của chiến sĩ anh hùng vô danh. Nhà thơ cốt đặc tả sự mất mát, hi sinh nhưng nhờ sử dụng ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh ước lệ mà cái mất mát ấy trở nên thật thiêng liêng, cao đẹp:

>> Xem thêm:  MS509 - Viết đoạn văn miêu tả con đường từ nhà đến trường

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.”

Người lính Tây Tiến ý thức rất rõ về quãng đời “xanh” – tuổi trẻ, mơ ước, khát vọng, đồng thời họ cũng ý thức ra chiến trường chấp nhận sự mất mát, hi sinh. Nhưng cách ứng xử của người lính với cái chết không phải là sự run rẩy sợ hãi, mà là sự lựa chọn dứt khoát, chủ động. Nhà thơ Quang Dũng để người lính vào thử thách khắc nghiệt nhất, lựa chọn giữa sống vào chết từ đó làm bật lên lí tưởng sống cao đẹp của họ. Họ chiến đấu với tinh thần vệ quốc, quyết hi sinh, dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp lớn của đất nước. Từng câu thơ rắn chắc, trang trọng, khẳng định lí tưởng của người lính Tây Tiến để cho cảm hứng của cái bi lụy trở thành bi tráng. Từng chàng trai gốc Hà Nội sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ của mình cho đất nước: “rải rác biên cương”, “chẳng tiếc đời xanh”, “anh về đất”. Cái chết của các anh đã được lí tưởng hóa như hình ảnh những tráng sĩ xưa: “áo bào”, “khúc độc hành”; thiên nhiên cũng đau đớn thay cho nỗi đau họ phải chịu. Những chàng lính trẻ Tây Tiến hiện lên với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt; phong thái ngang tàng, gan góc, ngạo nghễ cùng tinh thần xả thân tự nguyện, coi cái chết nhẹ tựa hồng mao. Cac anh đi thật rồi, một sự ra đi vĩnh viễn, mất mát lớn không chỉ đối với riêng gia đình, người thân các anh mà đối với cả một dân tộc, đất nước yêu chuộng hòa bình. Người lính ra đi thật thanh thản, nhẹ nhàngm một sự hi sinh vì lẽ sống lớn cao đẹp, đánh đổi tuổi xuân mình để có được tương lai tươi sáng, màu xanh, màu hòa bình cho non sông, Tổ Quốc.

“Chúng tôi đã đi không tiếc đới mình

Nhưng tuổi hai mười làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc thì còn chi tổ quốc

Việt Nam ơi!”

Với bút pháp lãng mạn, những sáng tạo trong việc sử dụng ngôn ngữ, nghệ thuật điệp, đối, hình ảnh thơ độc đáo, mới mẻ; nhà thơ Quang Dũng đã tái hiện lại một lần nữa vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến hệt như một bức tượng đài lịch sử, hoành tráng, uy nghi, đẹp đẽ vô cùng. Quang Dũng đã bất tử hóa hình ảnh của họ, người lính Tây Tính hay những chiến binh, với lý tưởng đẹp, hành động cao cả, đáng trân trọng biết bao.

“Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ”

Khúc bảy- Hồ Thành Công

Nguyễn Thị Hoa

Bài viết liên quan