Phân tích bài Bên kia sông Đuống để thấy được thế giới kinh bắc trong tác phẩm.


Đề bài: Em hãy phân tích hình ảnh của thế giới kinh Bắc trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm.

Là một người con của một mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử như vùng đất Kinh Bắc, nhà thơ Hoàng Cầm không chỉ kế thừa được những truyền thống tốt đẹp của mảnh đất ấy mà còn tự nhen nhóm trong mình những tình cảm đầy tha thiết, thiêng liêng với nơi đã nuôi dưỡng mình. Tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương Kinh Bắc, cùng với sự nhạy cảm, tinh tế của một thi nhân tài năng, nhà thơ Hoàng Cầm đã viết bài thơ “Bên kia sông Đuống”, đây là một bài thơ, nhưng cũng là một bức tranh đầy chân thực về những truyền thống, về cuộc sống bình dị, mộc mạc nhưng đầy yên ả, thanh bình về mảnh đất văn hóa này.

Nếu theo dõi những tác phẩm thơ văn của nhà thơ Hoàng Cầm, ta có thể nhận thấy ngay được tình cảm tha thiết mà nhà thơ dành cho quê hương của mình, thậm chí nó đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn, chi phối ngòi bút của nhà thơ. Và bài thơ “Bên kia sông Đuống” là một tác phẩm tiêu biểu nhất cho nguồn cảm hứng ấy. “Bên kia sông Đuống” được sáng tác vào tháng 4/1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu trở nên dữ dội, để đạt được mưu đồ xấu xa của mình, thực dân Pháp đã mở rộng phạm vi đóng chiếm ra toàn miền Bắc, và một trong những đối tượng hàng đầu đó chính là quê hương của nhà thơ, vùng đất Kinh Bắc xưa, vùng Bắc Ninh ngày nay.

Ngay khi nghe tin quê hương của mình bị thực dân Pháp đánh phá, cũng là lúc nhà thơ Hoàng Cầm đang công tác ở chiến khu Việt Bắc, sự xót xa, đau đớn khôn nguôi đã thôi thúc nhà thơ viết bài thơ “Bên kia sông Đuống” vào ngay đêm hôm ấy. Bài thơ này không chỉ thể hiện được xót xa của nhà thơ khi biết địch bắn phá quê hương, không chỉ là những khung cảnh hoang tàn, đau thương, những dấu tích thê lương mà quân giặc in hằn lên từng tấc đất. Nhưng bên cạnh nguồn cảm hứng hiện thực đó, nhà thơ Hoàng Cầm còn phác họa được những nét tươi đẹp vào bức tranh cuộc sống, bức tranh văn hóa đầy tươi đẹp của vùng đất Kinh Bắc. Trước hết, hình ảnh của vùng đất Kinh Bắc được gợi qua thông qua một địa danh vô cùng quen thuộc – con sông Đuống.

>> Xem thêm:  Anh (chị) hãy phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) thể hiện trong cảnh ngộ từ khi cô bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra đến khi trốn khỏi Hồng Ngài

“Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”

Trước hết, nhà thơ Hoàng Cầm đã vẽ những nét vẽ đầu tiên về dòng sông Đuống thân thương, dòng sông này được gợi ra bởi những nét đẹp tự nhiên, dung dị nhất “Sông Đuống trôi đi”, gợi ra dòng chảy êm ái, lặng lẽ của dòng sông, và sự êm ái của dòng chảy cũng gợi mở ra cuộc sống thanh bình, yên ả của người dân Kinh Bắc, dòng sông lấp lánh bởi những tia nắng của mặt trời, hình ảnh không có gì mới ạ, cách miêu tả cũng không có gì quá độc đáo nhưng người đọc vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của con sông này, có lẽ bởi chính sự thân thuộc và sự chân thành của nhà thơ. Điều đặc biệt nhất khi nhà thơ Hoàng Cầm miêu tả về dòng sông Đuống chính là vẻ đẹp đầy hào hùng của nó “Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì”, đến đây ta cũng có thể hiểu, dòng chảy của con sông cũng chính là dòng chảy của lịch sử, và theo đó thì con sông là nhân chứng cho bao nhiêu thăng trầm, đồng hành cùng dân tộc qua bao cuộc kháng chiến lâu dài.

Vẻ đẹp của quê hương Kinh Bắc còn được nhà thơ Hoàng Cầm gợi ra với những nét đẹp của văn hóa, đó không chỉ là văn hóa của một quê hương, một địa phương độc lập, mà đó còn là truyền thống của cả dân tộc Việt Nam, đã gây dựng qua bao đời nay. Đó là nét đẹp của nền nông nghiệp lúa nước, đặc trưng sản xuất của người dân Việt Nam, cũng là những kí ức tươi đẹp của nhà thơ về vùng quê của mình “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng”, hương lúa nếp không chỉ sống dậy trong tâm thức, trong trí nhớ của nhà thơ và như vương vất, như đậm nhạt trong từng câu thơ.

>> Xem thêm:  Trình bày hoàn cảnh ra đời bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Tranh Đông Hồ là một sản phẩm tinh thần đặc biệt của người dân Kinh Bắc, cũng là một trong những sản phẩm độc đáo của nền văn hóa Việt Nam,nhắc đến tranh Đông Hồ người ta thường liên tưởng ngay đến những bức tranh lợn ăn lá ráy, tranh gà hay tranh đám cưới chuột, những bức tranh không đơn thuần nhằm phục vụ mục đích thẩm mĩ mà còn in dấu bao nhiêu truyền thống của dân tộc, đó là nếp sống, phong tục tập quán của người dân. Vùng đất Kinh Bắc không chỉ được gợi ra bởi những cảnh vật, những địa danh hay những sản phẩm độc đáo, mà còn được gợi ra bởi chính vẻ thuần hậu, chân chất của con người nơi đây:

“Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen”

Hình ảnh con người Kinh Bắc được nhà thơ Hoàng Cầm gợi qua hình ảnh tươi tắn của những người phụ nữ. Và hình ảnh con người nơi đây, một khi đã từng gặp thì sẽ để lại những ấn tượng khó phai, đó chính là “gương mặt búp sen” hình ảnh khuôn mặt búp sen gợi ra vẻ đẹp thanh thoát, phúc hậu của người con gái Kinh Bắc, không chỉ gợi ra vẻ thanh thoát mà với cách miêu tả này, ta còn có thể hình dung ra những dáng vẻ dịu dàng, đằm thắm của những cô gái này. Bên cạnh vẻ đẹp dịu dàng, e lệ của những người thiếu nữ Kin Bắc, còn có những cô hàng xén răng đen “Những cô hàng xén răng đen”, người con gái này được gợi ra với cái năng động, tháo vát trong công việc mà còn gợi ra bởi nụ cười đầy rạng rỡ, chân thực “Cười như mùa thu tỏa nắng”. Nhịp sống tất bật, nhộn nhịp của người dân Kinh Bắc được thể hiện sống động qua câu thơ “Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen”.

>> Xem thêm:  Hình ảnh nhân vật người chồng vũ phu trong Chiếc thuyền ngoài xa-Nguyễn Minh Châu

“Kiệt cùng ngõ thắm bờ hoang

Mẹ con đàn lợn chia âm dương

Chia lìa trăm ngả

Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu?”

Thể hiện tình yêu, lòng tự hào với quê hương Kinh Bắc qua những cảnh sắc ấn tượng, những truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Nhưng nhà thơ cũng không quên được hiện thực khốc liệt đang diễn ra trước mắt, đó chính là sự xâm lược, bắn phá của thực dân Pháp, và sự tàn phá ấy đã làm cho một quê hương vốn yên bình, tươi đẹp trở nên hoang tàn, đau thương. Và sự tang thương này được Hoàng Cầm thể hiện thông qua hình ảnh đàn lợn, và đám cưới chuột, đây vốn là những hình ảnh quen thuộc trên những bức tranh đông hồ, mang ý nghĩa con cháu đầy đàn, sinh sôi nảy nở nhưng chính sự tàn phá vô nhân đạo của kẻ thù đã khiến chúng nhuốm màu của đau thương, mất mát. Mẹ con đàn lợn “chia trăm ngả”, gợi ra tình cảnh loạn li của người dân Kinh Bắc, đám cưới chuột vốn tưng bừng rộn rã thì cũng bị “tan tác”, cuộc sống, hạnh phúc của con người cũng mong manh, vỡ tan bởi khói lửa của chiến tranh.

Như vậy, cứ một đoạn tả về cảnh sắc tươi đẹp hay những truyền thống độc đáo của quê hương, lại được nhà thơ Hoàng Cầm lồng ghép vào những đoạn thơ miêu tả thực cảnh của Kinh Bắc khi có bước chân kẻ thù đi qua, đó là một thực tại đầy mất mát, đau thương. Chiến tranh không chỉ phá hủy đi cái khung cảnh yên bình vốn có mà còn làm cho cuộc sống của người dân đầy biến động, li loạn đầy đau thương. Vì vậy mà bài thơ “Bên kia sông Đuống” là sự đan xen của hai dòng cảm xúc trái ngược, giữa tình yêu, niềm tự hào với sự xót xa, mất mát. Dòng cảm xúc của nhà thơ cũng đi từ hồi tưởng kí ức tươi đẹp đến thực tại đầy khắc nghiệt. Bài thơ làm cho người đọc sống dậy những cảm xúc đã dạng, yêu mến tự hào, xót xa đau đớn.

Nguồn: Văn mẫu

Bài viết liên quan