Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng


Đề bài: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

Bài làm

Nói đến nghệ thuật trào phúng trong văn chương, không thể không nhắc tới đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia được trích trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ông là nhà văn hiện thực của văn học Việt Nam với lối viết trào phúng rất đậm đà, sắc sảo. Trào phúng là sự đả kích, mỉa mai và châm biếm những sự vật, hiện tượng đồi bại trong xã hội. Hạnh phúc của một tang gia – ngay trong nhan đề đã đậm chất trào phúng – nói về sự lố lăng, giả dối của tầng lớp “thượng lưu” ở thành thị những năm trước Cách mạng.

Ai có thể cười, có thể vui khi nhìn thấy người thân của mình nằm đó, lạnh lẽo, ra đi mãi mãi không bao giờ trở lại? Biết rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật của tự nhiên nhưng cuộc chia ly nào mà không rơi nước mắt? Vậy mà Vũ Trọng Phụng lại đặt nhan đề Hạnh phúc của một tang gia cho đoạn trích. Phải chăng trong đám tang ấy có điều gì mới lạ hay khác thường?

Nhìn vẻ bề ngoài, tất cả mọi người đều đang rất bối rối và đau buồn, rất đúng với tâm trạng của một đám tang. Nhưng sự thật đằng sau những khuôn mặt giả dối ấy lại những lý do rất lố lăng. Ban đầu, ai nấy cũng đều vui mừng vì cụ cố tổ chết. Ông cụ chết đi, cái chúc thư sẽ đi vào hiện thực. Các con cháu sẽ được phân chia thừa hưởng khối tài sản đồ sộ của cụ. Nhưng vì cụ chết đột ngột quá, mọi người đều chưa chuẩn bị được điều gì. Mỗi người một nỗi niềm riêng. Cậu tú Tân thì cứ điên người lên vì cậu đã sẵn sàng được mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không được dùng đến. Bà Văn Minh thì sốt cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng, cái viền đen – dernieres creations. Ông Typn rất bực mình vì mãi không được thấy những sự chế tạo của mình ra mắt công chúng để xem các báo chí phê bình ra sao. Người ta đổ lỗi cho ông Văn Minh không khéo can thiệp để mọi mọi việc phải trì hoãn, cụ cố Hồng cứ nhắm mặt lại kêu khổ lắm, cụ bà hay lề lối, vẽ chuyện lôi thôi. Thành thử ra ai cũng đang bối rối, lo lắng.

>> Xem thêm:  Anh (chị) suy nghĩ như thế nào khi có người cho rằng: Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) vừa là ‘một gã mất trí, công cụ nguy hiểm trong tay bọn thống trị’ vừa là ‘một đầu óc sáng sủa nhất của làng Vũ Đại’?

Mỗi người một cái tên, nhưng tên ấy không chỉ để gọi mà còn để ám chỉ tới những vấn đề mà tác giả đang muốn đề cập tới: bà Văn Minh, ông Tuyp (tôi yêu phụ nữ), Tuyết ngây thơ…  Riêng Xuân Tóc Đỏ, tác giả đã dành riêng cho hắn một cái tên kèm theo biệt danh: đốc tờ Xuân. Trước đây Xuân chỉ là một kẻ lang thang, chuyên đi quảng cáo thuê, sau những may mắn và tình cờ trở thành bác sĩ được mọi người trọng dụng và kính sợ. Bởi vậy, sự xuất hiện của Xuân trong đám tang sẽ nâng cao giá trị bội phần cho gia đình.

Tất cả mọi nhân vật trong đoạn trích đều được xuất hiện qua nghệ thuật trào phúng của nhà văn. Từ cái tên, cho tới nghề nghiệp, hành động đều đậm chất trào phúng. Đám tang của cụ cố tổ là cơ hội cho những con người đó hội tụ. Đầu tiên là những người trong gia đình cụ cố. Dù họ thể hiện vẻ bề ngoài buồn bã nhưng thực chất bên trong đang reo mừng vui vẻ. Và đây là dịp để mọi người thể hiện mình với thiên hạ. Tuyết mặc một bộ y phục Ngây thơ – cái áo dài voan mỏng, trong có cooc-sê, trong như hở cả nách vả nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh. Thấy rằng thiên hạ đồn mình hư hỏng nhiều quá. Tuyết bèn mặc bộ Ngây thơ để ccho thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh. Những ông bạn thân của cụ cố Hồng, ngực đầy những huy chương như: Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh, vân vân… trên mép và cằm đều đủ râu ria, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc đen hoặc hung hung, hoặc lún phún… Mọi từ ngữ miêu tả của Vũ Trọng Phụng đều thể hiện sự đả kích, mỉa mai và châm biếm tới những kẻ thượng lưu, trưởng giả.

>> Xem thêm:  Dàn ý Phân tích bức tranh mùa thu qua bài Câu cá mùa thu

Trong xã hội ấy, ai cũng thích khoe mẽ, thể hiện bản thân mình là bậc nhất. Nhưng cách thể hiện lại rất thô lỗ và lố lăng. Thay vì đau khổ khi người thân của mình lìa đời, các con cháu của cụ cố Tổ đều nhân cơ hội này để khoe khoang. Không một ai trong đám tang bày tỏ sự thương xót đối với người quá cố. Ngược lại, chiếc linh cữu kia chỉ là công cụ để họ bày trò trước thiên hạ. Đám ma mà cũng phải làm cho to tát để được mọi người nhìn vào khen ngợi, thán phục.

Đám cứ đi

Sự tàn tạ của xã hội và sự giả dối của những con người bất lương cứ thế diễn ra. Thậm chí diễn ra mỗi lúc một lộ liễu hơn, lố bịch hơn khi Xuân xuất hiện. Một kẻ hợm hĩnh như Xuân lại khiến cho đám ma thêm phần long trọng khiến ông cụ sung sướng kêu: “Ấy giá không có món ấy thì là thiếu chưa được to, may mà có ông Xuân đã nghĩ hộ tôi”.

Kèn Tây, kèn Tàu lần lượt thay nhau mà rộn lên. Ai cũng làm ra bộ mặt nghiêm chỉnh, song le sự thật thì vẫn thì thầm với nhau chuyện trò về vợ con, về nhà cửa… Họ chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm với nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau, hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma. Sự giả dối ngày càng lộ liễu. Điều đó là minh chứng cho thấy sự suy tàn, thối nát của một tầng lớp người trong xã hội chứ không riêng gì những người thân của cụ cố tổ. Cái chết của cụ khiến cái chúc thư chia tài sản đi vào hiện thực, đó là niềm mong chờ bấy lâu của con cái. Họ vui vì họ có lý do tạm gọi là chính đáng. Nhưng những người tới đưa đám cũng mang đầy sự giả dối, lố lăng.

>> Xem thêm:  [Văn mẫu học trò] Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao

Vũ Trọng Phụng viết lên câu truyện bằng những hình ảnh rất chân thực qua ngôn từ châm biếm và nghệ thuật trào phúng sắc sảo. Bất kỳ ai xuất hiện trong tác phẩm, dù là nhân vật chính hay phụ đều là hiện thân của một xã hội tàn tạ thời kỳ trước Cách mạng.

Đám cứ đi

Hơn một lần tác giả nhắc lại điều này như để nhấn mạnh hơn sự đồi bại của những con người trong đám tang. Đám tang đưa cụ cố tổ về nơi an nghỉ cuối cùng và có lẽ cũng sẽ sớm đưa xã hội này vào sự kết thúc.

Người khóc cứ khóc, người cười cứ cười. Tiếng Hứt!… Hứt!… của ông Phán mọc sừng càng làm cho đám tang thêm phần thu hút. Ông ta khóc không phải vì lòng thương xót cụ cố tổ, mà vì muốn góp công sức để tạo nên một đám tang gương mẫu cho cả thiên hạ nhìn xem.

Tất cả mọi cử chỉ, hành động diễn ra trong đám tang đều thể hiện rằng đây là một đám tang rất hạnh phúc, đúng như cái tên mà tác giả đã đặt. Ông không hề nói quá sự thật khi những con người của xã hội ấy đang mang trong mình sự giả dối, đồi bại và vô lương tâm. Bằng nghệ thuật trào phúng sắc bén, Vũ Trọng Phụng đã phê phán mạnh mẽ bản chất tồi tệ của xã hội “thượng lưu” ở thành thị những năm trước Cách mạng tháng tám. Qua đó, ông cũng đã mang đến cho người đọc một bài học có giá trị sâu sắc về đạo đức làm người: Hãy luôn sống thật lòng, hãy yêu thương nhau bằng tình yêu trong sáng và chân thành, đừng vì vật chất hay sĩ diện mà biến mình thành kẻ đạo đức giả.

Bài viết liên quan