Trình bày cảm nhận về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan


Qua Đèo Ngang là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ kết tinh được tài năng và những tình cảm chân thành của người thi sĩ dành cho quê hương, đất nước. Em hãy trình bày cảm nhận về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

I. Dàn ý chi tiết cho đề cảm nhận về bài Qua Đèo Ngang

1. Mở bài

Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

– Bà Huyện Thanh Quan là nhà thơ nữ xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam

– Qua đèo Ngang là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ trầm buồn của Bà Huyện Thanh Quan

2. Thân bài

– Hai câu đề: Khung cảnh hoang sơ, quạnh vắng nơi Đèo Ngang:

+ Không gian núi rừng hoang vu, hiu quạnh

+ Thời gian: hoàng hôn, xế chiều

-> Gợi tâm trạng cô đơn, buồn man mác

+ Thiên nhiên hoang sơ: cỏ cây, hoa lá

– Hai câu thực: Cuộc sống con người thưa thớt, ảm đạm:

+ Nghệ thuật đối

+ Tính từ giàu sức gợi

– Hai câu luận: Nỗi nhớ nước, nhớ nhà qua âm thanh tiếng chim cuốc, chim đa đa

– Hai câu kết: Nỗi buồn lên đến đỉnh điểm: “ta với ta” là một sự cô đơn tuyệt đối

3. Kết bài

Nêu cảm nhận về bài thơ

– Giọng điệu da diết, thủ pháp đối, đảo lộn trật tự câu, hình ảnh, âm thanh giàu sức gợi

>> Xem thêm:  Văn biểu cảm - Cảm nghĩ về một cuộc chia tay

– Thiên nhiên hoang sơ nơi đèo Ngang và tâm trạng cô đơn của con người.

II. Bài tham khảo cho đề cảm nhận về bài Qua Đèo Ngang

   Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của nền văn học trung đại Việt Nam. Những tác phẩm của bà thường là những tâm sự, là nỗi buồn sâu kín trước thời thế của đất nước. “Qua đèo Ngang” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ điềm tĩnh, trầm buồn của Bà Huyện Thanh Quan.

   Bài thơ được sáng tác theo thể thơ thất ngôn bát cú. Chỉ vỏn vẹn 8 câu thơ nhưng đã diễn tả được hết cái hồn của cảnh vật cũng như của con người khi đứng trước cảnh trời đất bao la.

   Hai câu thơ đề gợi lên một khung cảnh hoang sơ, quạnh vắng, âm u nơi đèo Ngang:

                        “Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

                         Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

Có thể thấy, không gian thật mênh mông và rộng lớn. Thời gian ở đây là lúc khi hoàng hôn buông xuống, ánh mặt trời chuẩn bị tắt “bóng xế tà”. Đây cũng là lúc tâm trạng con người dễ buồn, dễ sầu. Con người cảm thấy cô đơn lạc lõng giữa không gian quá bao la. Cảnh vật thiên nhiên âm u, quạnh vắng đến nao lòng, chỉ có cây và hoa. Từ “chen” được lặp lại hai lần càng gợi lên sự hiu quạnh nơi núi rừng. Hoa lá quấn quýt với nhau như để xua bớt đi sự cô đơn, quạnh vắng của khung cảnh thiên nhiên.

trinh bay cam nhan ve bai tho qua deo ngang cua ba huyen thanh quan - Trình bày cảm nhận về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan
Trình bày cảm nhận về bài thơ Qua đèo Ngang

   Cảnh vật đã âm u, đời sống của con người lại càng thưa thớt. Hai câu thực đã cho thấy điều đó:

                        “Lom khom dưới núi tiều vài chú

                          Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

Nghệ thuật đối được tác giả sử dụng thành công: lom khom- lác đác ; tiều vài chú-chợ mấy nhà gợi lên sự thưa thớt, vắng vẻ. Có sự hiện diện của con người nhưng chỉ là ít ỏi “vài”, “mấy”. Hai câu thơ có sự đảo trật tự cú pháp một lần nữa nhấn mạnh sự hoang sơ, hiu quạnh của đèo Ngang.  Từ láy “lom khom”, “lác đác” vừa chỉ hành động vừa chỉ số lượng. Sự sống hiếm hoi, lẻ loi và mong manh chờn vờn trước mắt tưởng gần nhưng lại thật xa xôi. Muốn có người bầu bạn cũng trở nên khó khăn.

   Giữa không gian mênh mông, quạnh vắng, con người mang một nỗi buồn man mác. Và rồi tiếng chim cuốc, chim đa đa vang lên càng làm cho con người buồn hơn:

                     “ Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc

                       Thương nhà mỏi miệng cái da da”

Tiếng chim cuốc và chim đa đa đã tạo nên âm hưởng dìu dặt, du dương nhưng não nề vô cùng, thấm đến tận tâm can. Người lữ khách nghe văng vẳng tiếng chim kêu mà lòng quạnh hiu, tê tái. Tác giả thành công khi sử dụng biện pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh. Trên cái nền tĩnh lặng giữa đất trời bao la, tiếng chim kêu thực sự não nề và thê lương. Nghe tiếng chim cuốc, chim đa đa mà “nhớ nước”, “thương nhà”. Nỗi lòng của người lữ khách nặng trĩu, trùng trùng điệp điệp không dứt.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về Phạm Văn Đồng và tác phẩm Đức tính giản dị của Bác Hồ

   Đến hai câu thơ kết, cảm xúc và nỗi niềm của tác giả được đẩy lên đến đỉnh điểm:

                       “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

                        Một mảnh tình riêng ta với ta”

Con người trở nên quá nhỏ bé trước không gian mênh mông của đất trời. Tác giả cảm thấy mình quá lạc lõng, không có điểm tựa để bấu víu, chỉ có “một mảnh tình riêng”. Ba chữ “ta với ta” cho thấy nỗi cô đơn tuyệt đối của người lữ khách. Nỗi buồn trở nên vô hạn, buồn thấu tâm can, buồn nghiêng ngả đất trời.

   Với giọng điệu da diết kết hợp thủ pháp nghệ thuật đối, đảo lộn trật tự câu, hình ảnh, âm thanh  giàu sức gợi, tác giả đa mang đến cho người đọc những vần thơ khó quên. Bài thơ gợi khung cảnh đèo Ngang hoang sơ, quạnh vắng. Đó cũng là nỗi buồn, nỗi cô đơn của người lữ khách tha phương trước không gian mênh mông, rộng lớn.

Bài viết liên quan