[Văn mẫu học trò] Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay


[Văn mẫu học trò] Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Dẫn dắt giới thiệu vấn đề nghị luận là căn bệnh vô cảm đang ngày càng phát triển trong xã hội.

2. Thân bài:

a. Giải thích:

Vô cảm là không có cảm xúc, là lạnh lùng, thờ ơ, không quan tâm, không yêu thương,…đối với những người quanh mình.

=> Thói vô cảm đã ăn sâu vào thói quen, hình thành tính cách và làm nên căn bệnh vô cảm.

b. Nguyên nhân:

Xã hội ngày càng hiện đại, phát triển, con người dần bị kéo vào vòng xoáy của những những bộn bề, áp lực nên dễ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, quên đi người khác. ( Dẫn chứng )

c. Tác hại:

– Khiến con người dần xa cách, dửng dưng, kết nối với nhau bằng những mối quan hệ vụng về, giả dối.

– Người ta tự biến lòng mình thành băng giá, không nhận được tình yêu thương chân thành từ mọi người và tâm hồn chìm đắm trong những công thức, khuôn khổ, mệt mỏi và ích kỷ. Người vô cảm sẽ chết vì chính bản tính của mình. ( Dẫn chứng )

– Xã hội sẽ suy thoái về đạo đức khi mỗi người đều sống với căn bệnh vô cảm, để căn bệnh ấy ăn mòn cả khối óc và con tim.

d. Mở rộng, bài học:

– Rất nhiều kẻ vô cảm khiến chúng ta hoài nghi về một thế giới thiếu vắng tình thương. Nhưng, cuộc đời vẫn đầy ắp tình yêu, sự đồng cảm và sẻ chia giữa người với người ( dẫn chứng).

– Chúng ta có quyền tự hào và tự nhủ bản thân, chỉ cần mình mở lòng, bớt thời gian để yêu thương nhiều hơn, cười nhiều hơn và cho đi nhiều hơn, cuộc sống sẽ thật ý nghĩa và thế giới sẽ thật hạnh phúc.

>> Xem thêm:  Phân tích vẻ đẹp của hai câu thơ sau: "Muốn vượt bể Đông theo cánh gió/ Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”. (“Lưu biệt khi xuất dương” - Phan Bội Châu)

3. Kết bài:

Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về. Hãy yêu nhiều hơn để căn bệnh vô cảm không còn là mối hoạ gậm mòn khối óc và làm đồi bại con tim bạn.

suy nghi ve benh vo cam - [Văn mẫu học trò] Suy nghĩ về bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay

Suy nghĩ về bệnh vô cảm

Bài làm tham khảo

Trái Đất đang dần nóng lên bởi hiệu ứng nhà kính nhưng thế giới loài người lại càng ngày càng lạnh. Bởi, cái lạnh ấy xuất phát từ trong lòng người, là cái lạnh của bệnh vô cảm đã khiến “ nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”.

Vô cảm là đã không còn tình cảm, không còn cảm xúc đối với cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình, nghĩa là trái tim đã không còn bất kỳ một sợi dây nào rung lên trước mọi nỗi đau cũng như buồn vui của đồng loại. Vô cảm trong xã hội ngày nay đã trở thành căn bệnh, căn bệnh ăn sâu vào máu thịt, vào tiềm thức và chi phối mọi hành động của con người.

Thế giới bước vào thời kỳ bùng nổ của khoa học công nghệ, con người đi sâu vào tìm hiểu những hạt vật chất li ti, chẻ nhỏ trái đất để khám phá và cuốn mình vào những áp lực của vòng xoáy kim tiền đã vô tình quên đi người khác, để ngoài tai tất cả tiếng khóc, tiếng cười của cuộc sống xung quanh. Quá nhiều bộn bề, chúng ta vụt nhiên mất đi cái nhìn về tổng thể, mất đi tấm lòng yêu đời, yêu người để rồi bản chất nghiêng hẳn về cá nhân vị kỉ, hẹp hòi và con tim cũng từ đó đóng thành băng lạnh đến tê buốt.

>> Xem thêm:  Trong nền văn học dân tộc có một số áng thơ văn ra đời vào những thời điểm trọng đại của đất nước, được coi là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Hãy bàn luận về nội dung và tinh thần chung của các tác phẩm đó

Mở cuộc sống hiện đại, con người dần khép lòng mình. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng kể lại một chuyện tận mắt chứng kiến. Ấy là lúc ở sân ga, mới tờ mờ sáng nhưng người đã chật ních. Giữa bạt ngàn người cùng hành lí có một người đàn bà hãy còn trẻ, như một kẻ mất trí, một người điên cứ hét vang: “ Các ông các bà có ai thương tôi cứu tôi với”. Thì ra cô bị mất con. Những tưởng kêu đến khản giọng sẽ có một ai đó đoái hoài. Nhưng, làm gì có ai thương cô! Đáp lại sự đau đớn quặn quại của người đàn bà chỉ là một ánh nhìn thờ ơ từ những người xung quanh. Họ, ai cũng mang đầy hành lý, lại mệt đứt hơi, ai cũng chỉ đủ sức lo cho mình mà không còn đủ sức bận tâm đến người đàn bà đang đau khổ. Trong con người họ, lòng ích kỷ đã xô đẩy lòng vị tha và sự vô cảm đã lên ngôi thay thế lòng nhân ái.

Thế giới không còn tình thương biến lòng người trở thành địa ngục. Vô cảm, người ta khiến sợi dây nối truyền trái tim đến trái tim rạn nứt, con người dần xa cách, dửng dưng, kết nối với nhau bằng những mối quan hệ vụng về, giả dối. Vô cảm, người ta biến lòng mình thành băng giá, không nhận được tình yêu thương chân thành từ mọi người và tâm hồn chìm đắm trong những công thức, khuôn khổ, mệt mỏi và ích kỷ. Xã hội sẽ ra sao nếu mỗi người đều sống với căn bệnh vô cảm, để căn bệnh ấy ăn mòn cả khối óc và con tim?

>> Xem thêm:  Có thể xem bài thơ Lai Tân là bức tranh thu nhỏ của cái chế độ xã hội Tưởng Giới Thạch được không? Phân tích bài thơ

… Sáu người cùng mắc kẹt trong một cái hang rất lạnh và tối. Mỗi người còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần. Nếu đốt que củi ấy tất cả đều được sưởi ấm và vượt qua đêm lạnh. Nhưng, lòng ích kỷ trỗi dậy “ Tại sao mình phải hi sinh que củi mà khó lắm mới kiếm được?” khiến họ giữ chặt nó trong tay để cuối cùng, họ đều chết vì lạnh, không phải cái lạnh của trời đêm mà họ chết bởi chính cái lạnh trong tâm hồn mình. Đúng vậy, vô cảm là cái chết. Người vô cảm sẽ chết vì chính bản tính của mình.

Rất nhiều kẻ vô cảm khiến chúng ta hoài nghi về một thế giới thiếu vắng tình thương. Nhưng, đừng lo lắng. Cuộc đời vẫn đầy ắp tình yêu, sự đồng cảm và sẻ chia giữa người với người. Quanh ta vẫn còn đầy những đôi tay giang rộng vì một đứa trẻ ngã, còn đầy những bờ vai sẵn sàng che chở cho một người già ốm, biết bao chương trình thiện nguyện vì người nghèo, Trái tim cho em, Cùng em đến trường,… được hưởng ứng ngày càng nhiều đã mang yêu thương lan rộng muôn nơi. Chúng ta có quyền tự hào và tự nhủ bản thân, chỉ cần mình mở lòng một chút, bớt chút thời gian để yêu thương nhiều hơn, cười nhiều hơn và cho đi nhiều hơn, cuộc sống của bản thân sẽ thật ý nghĩa và thế giới sẽ thật hạnh phúc.

Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về. Hãy yêu nhiều hơn để căn bệnh vô cảm không còn là mối hoạ gậm mòn khối óc và làm đồi bại con tim bạn.

Bùi Thị Chung

Bài viết liên quan