Cảm nhận về bài thơ Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm


Đề bài: Cảm nhận về bài thơ “Nhàn” của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bài làm

Thời Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh loạn lạc xuất hiện một kẻ sĩ lại bàn về chuyện “nhàn”. Đó là Nguyễn Bình Khiêm – một người cứng cỏi, phóng khoáng. Tám năm làm quan, dâng sớ xin chém mười tám kẻ lộng thần đều không được chấp thận, Nguyễn Bỉnh Khiêm trở về quê nhà rồi gửi tấm lòng vào tác phẩm “Nhàn”:

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu đến cội cây ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm khắc họa bức chân dung tác giả ung dung, tự tại, ngông nghênh trước hiện thực xã hội suy đồi, đen tối để bày tỏ tấm lòng thanh sạch và quay lưng với cái xấu xa, bất công của xã hội.

“Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào”

Nguyễn Bỉnh Khiêm mở đầu bài thơ bằng một không gian khá thú vị: hình ảnh một lão nông đang bận rộn lấy làm vườn làm thú vui ngày dài. Nếu như câu trên với tần suất 2/2/2, “một… một… một…” đều đặn, liên tục thì câu thơ dưới lại nổi bật lên tinh thần “thơ thẩn” và “vui thú”. Chân dung tác giả có sự đối lập giữa sự bận rộn tay chân làm việc với sự vô lo vô nghĩ trong tâm hồn. Những hoạt động với mai, cuốc, cần câu đều rấ quen thuộc với người nông dân. Như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho thấy cuộc sống ung dung tự tại, tự cung tự cấp và gắn bó mật thiết của đời sống với thiên nhiên.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Khuê oán của Vương Xương Linh

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.”

cam nhan ve bai tho nhan cua tac gia nguyen binh khiem - Cảm nhận về bài thơ Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Cảm nhận về bài thơ Nhàn

Hai câu thơ tiếp theo là quan niệm của lão nông dân về cuộc đời. Người cho rằng bản thân là “dại” khi chọn nơi vắng vẻ này để sống còn kẻ khác là “khôn” khi chọn sống ở nơi “lao xao”. Nơi vắng vẻ là ý chỉ cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, ẩn dật. Còn nơi lao xao là nơi đông đúc, nơi con người tìm đến để tìm kiếm vật chất xa hoa. Tuy nhiên cách nói “ta dại” và “người khôn” lại có vẻ châm biếm, nói ngược hơn là đang tự trách cứ bản thân mình. Có lẽ, thi sĩ đang muốn phê phán lối sống thực dụng, tham lam, đua chen của người đời. Đặt vào hoàn cảnh bản thân nhà thơ, người khôn kia hẳn là bè lũ quan lại nhũng nhiễu, vơ vét của cải của người dân.

Tiếp tục thể hiện cuộc sống vui thú nhàn tản của bản thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

“Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”

Khác với sự chân chất bắt gặp ở đầu khổ thơ, chân dung nhân vật đến đây mang vẻ rất thanh cao, sang quý. Tác giả đã khái quát cuộc sống trong cả năm từ xuân đến hạ đến thu và sang đông trong hai câu thơ ngắn. Những hình ảnh được liệt kê như “măng trúc”, “giá”, “hồ sen”, “ao” đều là những thứ rất đặc trưng hoặc đặc sản của mỗi mùa. Những động từ “ăn”, “tắm” điệp lại cho thấy sự giao hòa tuyệt đối giữa thi sĩ với thiên nhiên bốn mùa. Cũng như Hồ Chí Minh đã từng viết:

>> Xem thêm:  Cảm nghĩ về ngày đầu tiên bước vào trường trung học phổ thông

“Sáng ra bờ suối tối vào hang

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”

Tuy rằng chỉ là những thực phẩm đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn toát lên được vẻ thanh cao của người nghệ sĩ.

Hai câu thơ cuối mang màu sắc cổ điển:

“Rượu đến cội cây ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”

Những từ như “cội cây”, “phú quý”, “chiêm bao” đều là từ Hán Việt gợi nên những điển cố điển tích xưa và cũng nhắc về thời của Lý Bạch. Không gian trong hai câu thơ vừa thực vừa ảo. Thực là cảnh thi sĩ uống rượu, còn ảo là cái nhìn của tác giả về danh lợi. Một quan niệm rất nhân văn mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nói đến ở đây là danh lợi cuối cùng chỉ là vật ngoài thân, cuộc đua danh lợi cũng chỉ là một giấc mộng mị. Do vậy tác giả chọn nơi “cội cây” chốn Niết bàn tiên cảnh để uống rượu hưởng thụ và xem thường thế gian kia chỉ biết đua nhau vì danh lợi. Do đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ cái nhìn khinh thường thói đời tầm phào:

“Còn bạc, còn tiền còn đệ tử

Hết cơm, hết rượu hết ông tôi”

(“Thói đời”)

Đó cũng cho thấy trí tuệ thông tường và triết lí sống thanh cao của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Bài thơ “Nhàn” được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật với đầy đủ các phần đề – thực – luận – kết nhưng có nhiều sáng tạo mới mẻ trong ngôn từ và cách diễn đạt; ngôn ngữ giản dị, tự nhiên; cảm hứng khi nhàn tản, vui vẻ khi đậm chất triết lí. Bài thơ khắc họa bức chân dung thi sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm thanh cao, an lạc, gần gũi với thiên nhiên đồng thời lấy đó làm cách xử thế đặc biệt của bản thân trước thực tại xã hội suy đồi. Đó là con đường mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn để đấu tranh và phê phán xã hội cũng như lối sống tầm thường ở đời. Tình yêu thiên nhiên và yêu nước thương dân qua đó cũng được bộc lộ sâu sắc.

>> Xem thêm:  Kể về một tấm gương người tốt việc tốt có thực mà anh (chị) được chứng kiến hay được nghe kể lại

Hoài Lê

Bài viết liên quan