MS164 – Diễn xuôi bài thơ “Đồng chí” theo lời tác giả


Đề bài: Diễn xuôi bài thơ "Đồng chí" theo lời tác giả

Bài làm

Tôi là Chính Hữu sinh năm 1926,tôi sinh ra và lớn lên trong thời đất nước phải đối mặt với chiến tranh khốc liệt, tôi đã từng chứng kiến cảnh người dân quê tôi bị giặc áp bực bốc lột, từng chứng kiến cảnh đói khổ thiếu thốn của họ và cũng từng chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ tôi khi ba nằm xuống để bảo vệ quê hương, cảnh khó nhọc khi mẹ phải một mình nuôi tôi khôn lớn và từ đó cùng với lòng yêu nước tôi quyết định tham gia vào chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947.

dien xuoi dong chi - MS164 - Diễn xuôi bài thơ "Đồng chí" theo lời tác giả

Rời gia đình, rời quê hương để đi theo tiếng gọi của trái tim tuổi trẻ, có lẽ, những người lính khác cũng giống như tôi, cũng đang bỡ ngỡ, cũng đang thấy mọi thứ đều xa lạ. Dù là cùng chung một tiểu đội nhưng chẳng ai nói chuyện với ai, nhìn vào ánh mắt của nhau thì đều thấy được sự muốn làm quen nhưng có lẽ còn ngại. Một hôm, tôi trằn trọc khó ngủ vì nhớ mẹ già, nhìn ra ngoài tôi thấy có bóng người đang ngồi với dáng vẻ suy tư, tôi thầm nghĩ “chắc là người trong đội cũng đang nhớ nhà và khó ngủ như tôi” nên tôi ra làm quen.Tôi bước nhè nhẹ để anh khỏi giật mình cũng như để không đánh thức những anh em khác.Từ từ ngồi xuống rồi tôi hỏi với giọng quan tâm:

– Anh cũng khó ngủ hả?

Anh trầm ngâm, ngước nhìn lên ánh trăng sáng đang lẻ loi giữa bầu trời đen, rồi anh nói với giọng buồn lắm:

– Anh có vợ chưa? Tôi thì rồi – mới cưới. Anh thấy ánh trăng kia không, vợ tôi đẹp như ánh trăng đó…

Thì ra anh khó ngủ vì nhớ vợ…Tôi nghe qua sao mà xót xa quá, rồi tôi đáp:

– Tôi chưa có vợ, cũng chưa có một mảnh tình vắt vai anh à, có lẽ vì vậy mà tôi không thể hiểu được cảm giác hiện tại của anh, nhưng tôi còn mẹ già – người phụ nữ đã hy sinh cả cuộc đời vì tôi.

Anh im lặng không nói gì, không khí cũng lặng đi, thậm chí chẳng nghe một tiếng thở nào của cả hai, có lẽ … cổ họng chúng tôi đều đang nghẹn ứ những nỗi nhớ nhung… Rồi tôi cũng chợt nhận ra chúng tôi nói chuyện đã được một lúc mà vẫn chưa biết tên nhau, để giúp anh, giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà, tôi hỏi bằng giọng phấn chấn hơn:

– Nãy giờ nói chuyện mà tôi vẫn chưa biết tên anh?

Sau khi đã tâm sự được đôi chút, tâm trạng đã ổn hơn, anh vui vẻ đáp:

– Tôi tên Lập-Lập trong độc lập, còn anh?

– Tôi tên Hữu-Hữu trong bằng hữu

– Thế quê anh ở đâu?

– Tôi là một người con Hà Tĩnh và quê tôi thì nghèo lắm anh à, là một vùng đất cày lên sỏi đá với những con người chân lắm tay bùn, suốt đời chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, khó khăn vất vả trăm bề, nhưng đáng quý là giàu tình nghĩa, giàu yêu thương, bao nhiêu đó thôi cũng đủ khiến chúng tôi thấy ấm lòng dù những bữa con có đạm bạc, dù những công việc có gian lao …

Khi nghe tôi giới thiệu về quê mình anh cũng không ngần ngại:

– Quê tôi cũng có hơn gì đâu, cũng nghèo, là một vùng đất nhiễm mặn ở ven biển, một vùng đất phèn, một vùng đất xấu, và cũng giống như người dân quê anh, người dân quê tôi cũng vất vả nhưng cũng luôn tràn ngập niềm vui bởi tình nghĩa xóm giềng, tình thương giữa những con người với nhau…

Tôi nghe mà cũng thấy chạnh lòng, thế là chúng tôi tâm sự trò chuyện với nhau cả đêm. Dưới ánh trăng lung linh kia, trong tiếng thở của đêm, gió và cây rừng, tiếng của côn trùng, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh khi cơn gió vô tình chạm vào da, lạ thật, “lạnh nhưng không lạnh” có lẽ…hơi ấm từ sự đồng cảm của chúng tôi đã biến lạnh thành không lạnh mất rồi…Thì ra chúng tôi lại có điểm chung như thế, thì ra chúng tôi đều xuất thân là những người nông dân nghèo khó, đều có chung “một trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng một tình yêu quê hương đất nước đang rạo rực”, nếu không yêu nước thì tôi và anh đã không bỏ lại mẹ già và người vợ trẻ, cũng từ điểm chung đó, cũng từ buổi tâm sự đó mà anh và tôi từ xa lạ chẳng hẹn rồi quen nhau. Và cũng từ lòng yêu nước ấy chúng tôi có chung nhiệm vụ, chung lý tưởng và cả mục đích chiến đấu – là đem về những chiến thắng vẻ vang cho quê hương, đem lại độc lập tự do cho đất nước và đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Ngày còn ở quê cuộc sống đã khó khăn thiếu thốn biết dường nào, thế nhưng nay đi chiến đấu tôi mới biết là nó còn khó khăn thiếu thốn hơn gấp trăm, gấp ngàn lần. Những tấm chăn không dày, không lành lặn, mà nói chính xác thì nó chỉ đơn giản là những mảnh vải nhỏ được khâu ghép lại thành mảnh vải to từ bàn tay khéo léo của người dân cùng sự quý mến thân thương của họ, nên dù không đẹp, không dày nhưng nó làm ấm lòng những người lính chúng tôi. Khi màn đêm buông xuống, tôi và anh nằm cạnh nhau chỉ trong một chiếc chăn mỏng, thỉnh thoảng lại có vài cơn gió nhỏ luồng vào trong chăn, cái lạnh xé da xé thịt, chúng tôi choàng tay ôm nhau, truyền hơi ấm cho nhau, rồi thủ thỉ vào tai nhau tâm sự để mong xua đi cái lạnh tê người. Từ ngày này qua ngày nọ, đêm này qua đêm nọ chúng tôi đều chung một chiếc chăn rồi trở thành tri kỉ của nhau từ lúc nào không hay biết? Và trong những đêm lạnh đó, tôi nhận ra tình đồng chí của chúng tôi là một tình cảm cao đẹp và thiêng liêng bởi nó là sự kết tinh của tình bạn, tình người và tình anh em…Và cũng chính tình đồng chí đó đã giúp chúng tôi vượt qua cái lạnh của những đêm trường.

>> Xem thêm:  MS154 - Thế kỉ XXI đâu chỉ cần học Toán, Tin, Ngoại Ngữ. Xin ba mẹ đừng cấm con học Văn

Có một lần tôi và anh được cùng đi làm nhiệm vụ, khi đi ngang qua những cánh đồng, nhìn hình ảnh những người nông dân đang làm ruộng, bàn chân chúng tôi chợt trở nên nặng hơn, nặng đến nỗi không thể nhấc lên được. Tôi và anh đứng sựng lại, lòng nhớ nhung da diết những ngày còn ở quê, những ngày gian khổ mà vui, tôi hỏi:

– Chắc anh đang nhớ công việc đồng áng ở quê nhà lắm phải không?

– Tôi nhớ mảnh ruộng, nhớ cả vườn rau sau hè, tôi đã gắn bó với nó từ hồi còn rất nhỏ, nhưng khi quyết định đi lính, vợ tôi thì chân yếu tay mềm nên tôi đành gửi lại ruộng nương cho người bạn gần nhà…

Tôi nghe anh nói mà cũng thấy buồn cùng anh, anh cũng mới vừa lấy vợ, nhưng vì cuộc kháng chiến của dân tộc anh sẵn sàng gạt đi hạnh phúc của riêng mình. Ánh mắt anh đang nhìn về một hướng rất xa-xa vời vợi và xa đến vô hình, một ánh mắt chứa đầy tâm sự, chứa đầy nỗi nhớ nhung và chứa đầy niềm hy vọng. Tôi không hỏi và nói gì thêm, chỉ đứng im đó cùng anh, chỉ mong rằng sự hiện diện của tôi đủ để anh biết rằng anh không một mình, đủ để anh vơi đi nỗi cô đơn…Tôi cũng thầm nghĩ ở quê nhà chắc mẹ già đang nhớ thương tôi, ngày ngày ra cửa đứng chờ tôi về và cầu mong cho tôi được bình an vô sự. Còn vợ anh cũng nhớ thương anh da diết cùng với nỗi cô đơn trong căn nhà trống vắng…Và những người dân quê chúng tôi cũng mong mỏi ngày chúng tôi đem chiến thắng trở về…

>> Xem thêm:  Dẫn chứng về bảo vệ môi trường

Khó khăn của chúng tôi không chỉ là thiếu lương thực, thiếu những tấm chăn lành lặn mà còn là những cơn sốt rét rừng kinh niên. Ngày ở quê, mỗi khi bị ốm gọi thầy thuốc đã khó vì đường xa, vì không có tiền, nhưng đó là những cơn sốt hai ba ngày rồi sẽ khỏi, còn ở đây, có ai hình dung được hai từ “kinh niên”- đó là dai dẳng, là kéo dài,… Xuất hiện sốt kinh niên có lẽ cũng là điều quá đỗi bình thường bởi chiến khu Việt Bắc rất lạnh, lớp lớp sương muối bao trùm, xung quanh là cây, là rừng, là muỗi,… Tất cả anh em trong đội hầu hết ai cũng đã từng trải qua cơn sốt ghê người đó, anh và tôi cũng vậy. Chúng tôi đã cùng nhau nếm trải cảm giác ớn lạnh đến run người, cùng lau cho nhau vừng trán đẫm mồ hôi, cùng động viên nhau hãy cố lên, hãy cùng nhau vượt qua tất cả, dù có sốt, dù có lạnh và dù răng có đang run cằm cặp thì hai chúng tôi vẫn thủ thỉ vào tai nhau những lời nói dù thều thào nhưng đủ để chúng tôi thấy ấm hơn, đủ để chúng tôi cùng nhau vượt qua cơn sốt ấy… Lại một lần khác tôi và anh được cùng đi làm nhiệm vụ, khi đi ngang khu rừng tôi đã không may bị rắn cắn, anh đã không màng nguy hiểm đánh đuổi con rắn đi và còn dùng miệng để lấy độc cho tôi rồi anh không ngần ngại xé mảnh áo trên vai để băn vết thương lại. Khóe mắt tôi rưng rưng, tôi khóc không phải vì vết thương làm tôi đau mà là vì những gì anh làm cho tôi cao quý biết dường nào, tình cảm anh dành cho tôi đẹp đẽ và chân thành biết bao nhiêu, anh đã cỗng tôi suốt quãng đường đi làm nhiệm vụ. Chúng tôi vừa đi vừa trò chuyện:

– Anh Lập nè, tôi thắc mắc sao anh không xé mảnh áo ở cánh tay, mảnh áo trên vai rất cần cho chúng ta vì phải dời căn cứ nhiều, phải khiêng vác, anh xé nó đi rồi thì khi khiêng vác vai anh sẽ đau lắm đấy?

– Mảnh áo trên vai tôi đã mòn rồi nên sẽ đỡ mất thời gian hơn, vì đã mòn nên nó cũng mềm hơn, anh sẽ thấy đỡ đau hơn khi tôi băn vết thương lại, anh lo chi áo tôi bị rách vai, khi nào vết thương anh lành, tôi sẽ giặt lại mảnh vải rồi sẽ khâu vào…- Anh Lập trả lời thản nhiên như thế.

Áo anh rách vai vì cứu tôi còn quần tôi có vài mảnh vá chỉ vì những khi đi làm nhiệm vụ, tôi hay bất cẩn, có lúc bị té, có lúc bị vướn vào những bụi cây gai nên chỗ này rách, chỗ kia không lành là vậy. Vì tôi bị thương nên nhiệm vụ không thể hoàn thành như dự định, khi trời đã sụp tối, chúng tôi đành dừng lại dưới một gốc cây to để nghỉ, dù sao cũng không còn sức để đi tiếp. Môi tôi và môi anh đều tê cứng, tái nhạt đi vì lạnh, thế ấy mà chúng tôi vẫn thấy vui, vẫn mỉm cười với nhau trong niềm hạnh phúc, có lẽ người thấy hạnh phúc nhất là tôi, anh đã không bỏ tôi khi tôi gặp hoạn nạn, anh đã không về trước để lập công mà sẵn lòng cõng tôi suốt một quãng đường dài, và trong lúc này đây, anh vẫn luôn mỉm cười với tôi-nụ cười của sự lạc quan yêu đời-nụ cười của những người chẳng ngại gian lao khó nhọc-nụ cười ấy khiến tôi quên đi cái lạnh, quên đi vết thương vẫn đang hiện hữu ở chân. Nhìn bàn chân không giày của anh với những vết phồng mà lòng tôi tan nát… Tôi nắm chặt tay anh, không nói gì, tôi thầm cảm ơn anh vì tất cả, cái nắm tay không những giúp chúng tôi truyền hơi ấm cho nhau mà còn truyền cho nhau sức mạnh để vượt qua những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt.

>> Xem thêm:  Viết một bức thư cho bạn để làm quen và hẹn bạn cùng thi đua học tốt

Tình cảm của chúng tôi ngày một thêm thắm thiết, bền chặt, và tình cảm ấy đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả, chiến thắng tất cả. Là những đêm đắp chung chăn,những đêm khó ngủ vì nhớ nhà, những đêm cùng cười khúc khích vì vô tình nghe được tiếng cồn cào của bao tử, và đẹp nhất là những đêm đứng canh gác cùng nhau dưới ánh trăng đẹp đến mê hồn. Anh và tôi đều rất thích cảnh rừng về đêm, vì vậy mà chúng tôi luôn xin được canh gác cùng nhau để đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới. Khi màu đỏ của hoàng hôn vừa tắt lịm sau những cánh rừng thì cũng là lúc những màn sương trắng bao trùm cả không gian, những giọt sương đọng lại trên lá, giữa rừng núi hoang vu, chỉ có tiếng gió thì thầm cùng cây, tiếng côn trùng râm rang những bản nhạc và tiếng lòng của hai người lính chúng tôi. Chúng tôi đang đứng đây với tư thế đã sẵn sàng đối mặt với tất cả, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy dù có phải hy sinh cả tính mạng này. Lúc này đây, người dân đã chìm vào giấc ngủ và chúng tôi vẫn đứng đây, đứng đây để canh gác cho những giấc ngủ ấy được bình yên, đứng đây để hy vọng một ngày không còn bóng giặc trên quê hương, đất nước thân thương này. Sương muối ư, giá rét ư, có là gì đâu khi chúng tôi đã đứng cạnh nhau thì đồng nghĩa mọi khó khăn gian khổ đều có thể vượt qua, tình đồng chí và hơi ấm của chúng tôi đã truyền cho nhau, đã xóa tan những làn sương muối. Giữa rừng núi bạt ngàn chợt tôi cảm giác rằng ánh trăng kia thật gần, trong tư thế sẵn sàng, nồng súng hướng lên trời cao tôi lại có cảm giác ánh trăng ấy được treo trên đầu súng, súng đại diện cho chiến tranh còn vầng trăng là hòa bình, chúng tôi khao khát ngày đất nước được giải phóng, ngày nhân dân được bình yên. Ánh trăng đã xuất hiện thay giặc, có lẽ ngày đất nước độc lập sẽ không còn xa…Chính tình đồng đội đã giúp chúng tôi vượt qua những khắc nghiệt của thời tiết và sự hiểm nguy nơi chiến trường ác liệt.

Tình cảm của chúng tôi là như thế ấy, gắn bó, thân thiết và bền chặt như anh em ruột thịt, chúng tôi luôn có nhau trong mọi hoàn cảnh, tôi không thể hình dung được anh và tôi làm sao có thể vơi đi những nỗi nhớ da diết nếu như tôi không gặp được tri kỉ là anh và anh cũng không gặp được tri kỉ là tôi? Tình cảm cao đẹp ấy đã bù đắp cho những tình cảm mà chúng tôi thiếu thốn? Tình cảm cao đẹp ấy đã giúp chúng tôi vượt qua những lúc khó khăn tưởng chừng là đối mắt với cái chết và tình cảm cao đẹp ấy đã sưởi ấm tâm hồn những lính chúng tôi giữa những đêm trường giá rét. Sẽ không bao giờ tôi quên những năm tháng ấy dù có thăng trầm và dù có gian lao, sẽ không bao giờ tôi quên người bạn tri kỉ và sẽ không bao giờ tôi quên tình đồng chí thiêng liêng và cao đẹp ấy!

Nguyễn Thị Tài Linh

Lớp 9A12 – Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Thuận An, Bình Dương

Bài viết liên quan