MS122 – Cảm nghĩ về bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên


Cảm nghĩ về bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên

Bài làm

Tôi nhớ mãi câu nói của học sĩ Hà Lan Van-gốc: ''Không có gì nghệ thuật hơn là lòng yêu quý con người'' – đó là chân lí của cuộc sống và cũng là chân lí của thơ ca. Cho đến khi đọc đến những vần thơ giản dị, chân thành của Vũ Đình Liên qua bài thơ "Ông Đồ" tôi lại càng cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết chân lí vĩnh cửu, ngời xanh ấy. Nhưng đặc biệt là ba câu thơ đã khiến tôi xúc động nhất:

''Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

………………………..……………

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

…………………………….

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?"

''Ông đồ' 'là một kiệt tác mà nhờ có kiệt tác này mà Vũ Đình Liên đã có một vị trí xứng đáng trong phong trào thơ mới. Hai câu thơ:

"Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu"

đã sử dụng thành công nghệ thuật nhân hóa góp phần đắc lực cho việc miêu tả bức tranh ngoại cảnh cũng như tâm cảnh: giấy đỏ nhạt phai dần, mực đọng thành nghiên sầu. Cảnh vật cũng khoác lên mình một nỗi đau ê ủ lòng người. Gía như có một sự biến đổi kì lạ để người đời không thích chữ Nho nữa thì lại là một chuyện khác. Nhưng ở đây là sự lạnh lùng với thư pháp-một nét đẹp văn hóa mà ở đây họ đã tôn sùng thì nay họ lại quay lưng với nó. Có lẽ lúc này chỉ có nhà thơ Vũ Đình Liên là cảm thông với nỗi buồn ê ủ của ông đồ. Phải chăng vì thế mà giọng thơ muốn kéo dài trong một nỗi buồn miên man. Đó là nỗi sầu tủi kết đọng, hòa với mực mài nước mắt-nỗi sầu tủi của giấy,của mực của nghiên, của bút hay cũng chính là nỗi sầu tủi của ông đồ.

>> Xem thêm:  MS91 - Hãy tưởng tượng trước khi em rời mái trường cấp 2

ong do vu dinh lien - MS122 - Cảm nghĩ về bài thơ "Ông đồ" của Vũ Đình Liên

Và cũng đáng buồn hơn thế khi đến khổ thơ thứ tư còn lại cái hình ảnh của ông đồ lặng lẽ,vô vọng, cô đơn giữa quang cảnh lạnh lẽo:

"Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay''

Hai câu thơ tả cảnh nhưng chính là tả nỗi lòng, là ngoại cảnh như thực chất lại là tâm cảnh, trong thơ gọi đó là phép tả cảnh ngụ tình. Đây là hai câu thơ giàu tính tạo hình, đặc sắc nhất trong cả bài thơ. Sự kết hợp của lá vàng rơi, ngoài trời mưa rơi đã tô đậm nỗi buồn tê tái của ông đồ và bằng cả sự gắng gỏi cho miếng cơm manh áo nữa, ông đồ vẫn ngồi đấy. Phố vẫn đông người qua, chỉ khác là lúc này 'không ai hay' sự có mặt của ông nữa. Còn đâu cảnh xúm xít, còn đâu những lời tấm đắc, khen ngợi quanh ông. Thủ pháp tương phản được vận dụng thật tự nhiên: cái 'tĩnh' càng trở nên lặng hơn bên cái 'động'. Cái một càng trở nên cô đơn, vón cục lại trước cái nhiều, cái náo nhiệt. Trước mắt ta, ông đồ ngồi đó gò bó nơi vỉa hè. Lá vàng rơi trên giấy không buồn nhặt, mắt ngơ ngác, buồn rầu nhìn ra màn mưa bụi mịt mờ-một không gian khung cảnh người hiện ra mồn một đặc tả đầy sức gợi. Người đời có biết chăng trong nhịp nhàng, rộn ràng của những ngày xuân, bên lề đường thân thuộc kia còn có hình bóng của một con người-ông đồ!

>> Xem thêm:  MS80 - Nghị luận về vấn đề nghiện Facebook của giới trẻ hiện nay

Thực sự đến giờ, bài thơ "chứa đựng cả một hệ vấn đề bằng bi kịch của sự gặp gỡ Đông và Tây, sự suy vong và cái áo chung của một thời đại, sự biến mất vĩnh viễn của một lớp người''. Vòng tuần hoàn của trời đất vẫn tiếp tục nhưng ông đồ không còn ngồi đó nữa. Cảnh thì vẫn ở đó còn người thì đâu mất rồi? Hoa đào kia như một biểu tượng của thời gian, của tạo hóa,cái còn, cái mất ám ảnh trong tâm trí con người. Ở đó là một niềm nhớ thương vời vợi bằng câu hỏi tu từ:

''Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?"

Khi bóng dáng ông đồ không còn, liệu nét chữ của ông có còn chăng? Những tinh hoa của giá trị tinh thần đã hoàn toàn biến mất hẳn! Những người muôn năm cũ là ông đồ, là người thuê viết hay chính là thế hệ của lớp người mới trong đó có chính nhà thơ? Dẫu là ai đi chăng nữa thì câu thơ vẫn hiện lên một niềm ray rứt,ngậm ngùi. Mạch đồng cảm của người xưa và người nay được nối liền nhau: sự chán ngán của ông đồ và nỗi lòng ân hận,tiếc nuối của lớp hậu sinh đã vô tình lãng quên thế hệ của cha ông. Hỏi để thức dậy trong tiềm thức sâu xa của mỗi người dân Việt Nam-những nỗi niềm vọng tưởng, thức dậy nhưng ân hận ray rứt nhưng cũng đồng thời nhắc nhở mọi người đừng quên quá khứ, đừng quên văn hóa dân tộc. Bởi đó cũng chính là hồn nước, hồn thiêng sông núi, là quốc hồn, quốc quý. Đánh mất đi hồn dân tộc khác gì là đánh mất nước chứ?

>> Xem thêm:  MS119 - Sự tham nhũng là cách hành xử vô nhân đạo

"Ông đồ" của Vũ Đình Liên quả là giọt nước trong biển cả, là một nét đơn sơ nhỏ bé trước bao nhiêu thành tựu lớn lao của văn học nước nhà. Nhưng dù có hòa trong biển, thì giọt nước ấy vẫn mặn mà, đằm thắm, vẫn âm thầm âm vang nhịp điệu thủy triều. Bài thơ đã nhắc nhở mỗi chúng ta trong cuộc đời ngày nay hãy gìn giữ tình thương và những giá trị đẹp đẽ của con người để không bao giờ phải xót xa, luyến tiếc.

Nguyễn Thu Giang

Trường THPT Ngôn Gia Tự, Vĩnh Phúc

Bài viết liên quan