MS112 – Thư gửi người ba năm đó: Ba ơi, đừng uống rượu!


Viết thư cho ba của em

Bài làm

Thư gửi người ba năm đó: Ba ơi, đừng uống rượu!

Hưng Yên, ngày 7 tháng 11 năm 2017

Gửi ba của năm đó,

Ba đi làm về mệt không? Ba đã ăn gì chưa mà uống rượu? Tối ba về mua kẹo kéo cho con ba nhé!? Khác với bọn trẻ ở trường mà con quen, con của năm mười tuổi chưa bao giờ nói với ba mình những câu như thế. Bức thư này, xin ông Bụt, bà Tiên hãy gửi về người ba trong kí ức con và thay con hôn ba một cái thật lâu, thì thầm vào tai ba: “Ba ơi, đừng uống rượu!”.

Những năm đó, bài học xót xa nhất mà con học được ở trường, đó là “Con là nạn nhân của bạo lực gia đình”. Cô giáo dạy rằng, Pháp luật quy định những hành vi cố ý của các thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại với các thành viên khác là bạo lực gia đình. Trên thế giới, cứ 10 phụ nữ lại có 3 người bị bạo hành gia đình và phần lớn nguyên nhân trực tiếp gây ra bạo lực gia đình là do rượu. Vậy mà ba lại thích rượu.

ba oi dung uong ruou - MS112 - Thư gửi người ba năm đó: Ba ơi, đừng uống rượu!

Ảnh tác giả cung cấp

Dưới những bức tranh con lén ngồi vẽ, vẫn còn dấu tẩy chì từ dòng chữ “Ba ơi đừng uống rượu!”. Con muốn viết dòng chữ đó thật to trước cửa đề mỗi lần ba về nhìn thấy, ba sẽ không uống rượu. Con muốn hét lên thật to câu nói đó cho ba nghe. Nhưng con sợ. Con đã không làm gì cả. Đó vẫn là bí mật của riêng con.

>> Xem thêm:  MS101 - Suy nghĩ về câu nói “Nghịch cảnh không chỉ là phép thử của tình cảm mà là thước đo của bản lĩnh”

Con nhớ, trước khi đi làm về, ba thường vui vẻ uống rượu đâu đó. Về tới nhà, ba sẽ bắt đầu phàn nàn, giận dữ và quát nạt mẹ, các em và con. Có phải ba thích dùng vũ lực với người yếu thế? Ba không thích chúng con vui đùa và ba ghét mẹ? Còn mẹ, mẹ luôn im lặng. Im lặng đôi lúc là đồng tình. Những người phụ nữ kém hiểu biết và cam chịu thường không biết mình vừa là nạn nhân, vừa là đồng phạm của bạo lực gia đình.

Ba có nhớ? Một đêm đông, ba trở về cùng men rượu. Mẹ từ từ vén màn, nhẹ nhàng ra mở cửa. Con theo mẹ, dự cảm vô hình khiến con theo mẹ. Mẹ bình tĩnh đến lạ thường, sự bình tĩnh khiến ba càng giận dữ. Con đứng một góc nhà, chỉ dám lén nhìn trộm ba một cái. Ba túm lấy tóc mẹ. Mái tóc đen mượt mẹ thường gội bằng lá bưởi. Ba kéo mẹ ra đường. Con chạy theo nắm thật chặt vạt áo mẹ. Nỗi sợ hãi lớn nhất của những đứa con là mẹ sẽ bỏ đi xa mất. Con không khóc, nhưng cứ nấc từng hồi. Mẹ ôm theo con đi. Tới một ngã ba lớn gần nhà, mẹ và con ngồi thu mình dưới chân cột điện đèn cao áp. Con không thể cảm nhận cái rét hay bóng tối nữa. Suy nghĩ và cảm giác con tràn ngập về ba. Ba đang nghĩ gì? Ba có vui không? Sau tất cả, ba được gì? Và rồi sáng hôm sau, con và mẹ lại trở về, chẳng ai nói gì, mọi thứ trở lại như cũ.

>> Xem thêm:  Trình bày cảm nhận về người phụ nữ xưa qua bài thơ Bánh trôi nước

Nhưng ba ơi đừng lo, ba hiện giờ tốt lắm! Gia đình mình vẫn luôn sát cánh bên nhau. Hơn 66% vụ ly hôn đều bắt nguồn từ bạo lực gia đình. Thật may vì ba mẹ vẫn bên chúng con. Ba hiền lành và hay cười. Ba đã trưởng thành hơn rất nhiều. Con đang học rất tốt và các em lớn lên đều xinh đẹp. Đa số những đứa trẻ từng trải qua bạo hành đều mang tổn thương về cả thể chất và tinh thần gần như suốt cuộc đời. Thậm chí, chúng có xu hướng bao lực ngược lại với người khác khi trưởng thành. Thật may vì chúng con vẫn ổn.

Mười tám tuổi, con hiểu được nhiều điều. Ba của năm đó chỉ là một nông dân thích làm kinh tế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu những năm 2007-2008 khiến những người thích làm kinh tế ở Việt Nam điêu đứng. Phải lấy rượu để quên đi mối lo “cơm áo gạo tiền”, ba chắc đã mệt mỏi và khó khăn lắm. Mỗi đường gân hằn đỏ trên khuôn mặt ba lúc tức giận, là biết bao nhọc nhằn, khổ cực. Con đã không nghe trọn vẹn bài giảng của cô giáo. Rượu vốn không có lỗi. Nguyên nhân thực sự dẫn tới bạo lực gia đình là hoàn cảnh. Bạo hành được nhận thấy có tỷ lệ cao ở các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, người chồng không có việc làm,…

>> Xem thêm:  MS150 - Viết về người thân của em

Hôm nay con cùng các bạn đến thăm “Trung tâm nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi Hà Cầu” ở quận Hà Đông ba ạ. Con kể cho các em về ba, một người ba dù có phần thiếu sót nhưng là người mạnh mẽ nhất trong số những ông bố trên Trái Đất này. Con tự hứa với bản thân rằng sẽ học thật tốt, tương lai con sẽ là một cô giáo giỏi, dạy bọn trẻ biết yêu thương ai đó đúng cách và chống lại điều bất công. Ba đã nuôi dạy con rất tốt. Ba ơi, cám ơn ba vì tất cả!

Con của ba

Thương Huyền

Lê Thị Hoài

Khoa Báo chí – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Bài viết liên quan