MS310 – Làm sáng tỏ điều mới mẻ và lời nhắn nhủ mà nhà văn Kim Lân muốn đem góp vào đời sống qua truyện ngắn Làng


Đề bài: Trong "Tiếng nói của văn nghệ" Nguyễn Đình Thi có viết:

-…Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào lá thư một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh…

Bằng sự hiểu biết của mình về truyện ngắn "Làng" em hãy làm sáng tỏ "điều mới mẻ", "lời nhắn nhủ" mà nhà văn Kim Lân muốn đem "góp vào đời sống".

Bài làm

Một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi óc quan sát và óc sáng tạo của người nghệ sĩ, đồng thời, nó cũng chứa đựng mọi tâm tư, tình cảm của tác giả đã tạo ra tác phẩm. Trong “Tiếng nói của văn nghệ” Nguyễn Đình Thi có viết: “…Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào lá thư một lời nhắn nhủ,anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh…” Và quả đúng là như thế, cảm hứng của mỗi một tác phẩm đều xuất phát từ hiện thực đời sống xung quanh, thế nhưng, để thực sự trở thành một tác phẩm nghệ thuật thành công, đem lại những ấn tượng, cảm thụ sâu sắc trong lòng người đọc thì đòi hỏi trong đó phải bao hàm cả những “điều mới mẻ”, “lời nhắn nhủ” mà tác giả đã gửi gắm qua tác phẩm. Với truyện ngắn “Làng” cũng vậy, Kim Lân đã khai thác những hình ảnh chân thực của làng quê Việt Nam sau Cách Mạng tháng Tám, đồng thời, dưới ngòi bút của ông, ta cũng thấy được những khía cạnh khác của cuộc sống những người nông dân lúc bấy giờ, cảm nhận được “lời nhắn nhủ” thầm kín mà cũng rất đỗi sâu sắc mà ông muốn đem “góp vào đời sống chung quanh”.

Nếu không có tác giả thì sẽ không bao giờ có tác phẩm, mà để tạo ra một tác phẩm hay thì đòi hỏi ở người sáng tác phải có một tầm quan sát tinh tế. Bởi vì, mỗi tác phẩm riêng sẽ phản ánh một nội dung riêng và nội dung riêng ấy phải xuất phát từ chính sự quan sát sáng tạo của tác giả: đó chính là những gì mà họ thấy ở xung quanh, chính là những gì họ trải qua hằng ngày,… Cho nên “tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại”. Nhưng nếu như chỉ họa lại bức chân dung chân thực của cuộc sống một cách đơn thuần thì đó không thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Chính vì vậy, song hành cùng yếu tố hiện thực trong một tác phẩm thành công chính là những khám phá, phát hiện riêng, những cảm nhận riêng của bản thân tác giả. Và những khám phá, phát hiện ấy đã tạo nên “điều mới mẻ”, “lời nhắn nhủ” đắc sắc riêng trong từng tác phẩm.

phong cach truyen ngan lang - MS310 - Làm sáng tỏ điều mới mẻ và lời nhắn nhủ mà nhà văn Kim Lân muốn đem góp vào đời sống qua truyện ngắn Làng

Truyện ngắn “Làng” ra đời vào năm 1948 lấy bối cảnh từ một xóm làng của những người tản cư với nhân vật chính là Ông Hai – một người nông dân chất phác nghe theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ rời xa quê hương, rời xa ruộng nương gần gũi với mình để đến nơi tản cư góp sức cùng Cách Mạng. Và trong nơi ở chung của những người xa lạ ấy, Kim Lân đã cho ta thấy một cách chân thực và sinh động hiện thực cuộc sống lúc bấy giờ. Đối với một đất nước còn nghèo và lạc hậu như Việt Nam ta việc phải đối đầu với một đại cường địch như Thực dân Pháp quả là một khó khăn lớn. Những người nông dân chân chất thật thà không trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu như Ông Hai đành phải nghe theo lời Cách Mạng, tạm rời xa quê hương đến nơi tản cư để phần nào tạo điều kiện cho tiền phương đánh giặc. Ông Hai cũng giống đa số người dân Việt Nam khác thời ấy, mù chữ, số lượng quá lớn những người dân nước ta không được đi học, không biết chữ Quốc ngữ đã trở thành một vấn nạn lớn của đất nước lúc bấy giờ mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó chính là “giặc dốt”, cùng với “giặc đói” và giặc ngoại xâm là ba mục tiêu chính mà Người đã nêu ra trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” yêu cầu toàn tầng lớp nhân dân chung tay kháng chiến, loại bỏ. Từ đó, một phong trào kháng chiến trên mặt văn hóa – giáo dục ra đời mang tên “Bình dân học vụ”. Và người nông dân Ông Hai cũng không nằm ngoài phong trào ấy: “Ông cũng đã có học một khóa bình dân học vụ ở làng, cũng đã biết đọc, biết viết,…”. Trong những năm đầu kháng chiến chống Thực dân Pháp, lực lượng mỏng và yếu, quân ta chuộng lối đánh du kích: “Chỗ này giết được năm Pháp với hai Việt gian, chỗ này phá đổ một xe tăng và một xe díp…chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí…hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại,…” Tuy chỉ là những chi tiết nhỏ nhưng hiện thực vẫn được phản ánh xuyên suốt tác phẩm “Làng”. Rồi những người nông dân dưới thời chống Pháp tiêu biểu như Ông Hai: với họ thứ giá trị nhất chính là ruộng vườn, là xóm làng. Ông yêu làng, xa làng nhưng nhớ làng sâu sắc. Ông Hai vẫn luôn khoe với những người cùng tản cư khác về cái làng Chợ Dầu – quê ông một cách đầy tự hào và hạnh phúc. Dù ở nơi tản cư xa làng phải ở nhờ, lao động cày cấy lại đầy cực nhọc và vất vả nhưng cứ hễ ngơi tay là Ông lại nhớ đến làng: “Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm việc với anh em… Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng… Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá…”. Hiện thực cuộc sống được tái hiện qua “Làng” một cách đầy chân thực, dường như bầu không khí của làng quê Việt Nam trong khoảng bảy thập niên trước đang hiện hữu ngay trước mắt người đọc.

>> Xem thêm:  Phân tích bài thơ Một mình dạo chơi tìm hoa ven sông của tác giả Đỗ Phủ

Mà không chỉ là hiện thực cuộc sống đơn thuần dõi theo là thấy, dưới con mắt quan sát tinh tế của mình, Kim Lân đã phát hiện ra những điều mới mẻ khác, phát hiện ra những sự thay đổi cao đẹp tích cực trong xã hội Việt Nam ngày ấy. Ông Hai vốn cũng chỉ là một trong đại đa số những người nông dân thời Pháp thuộc nhưng Ông lại là tiêu biểu cho một sự chuyển mình lớn lao trong đời sống tinh thần của người nông dân nước ta thời kì ấy. Ông Hai cũng không khác những người nông dân trước Cách Mạng tháng Tám là bao. Lão Hạc (Lão Hạc – Nam Cao), Chị Dậu (Tắt đèn – Ngô Tất Tố) đều là những người nông dân đầu tắt mặt tối, ngày ngày chỉ quẩn quanh làm bạn với mảnh vườn chuối đằng sau, cau đằng trước. Họ có một cuộc sống lam lũ, cơ cực nhưng bên cạnh cuộc đời tăm tối là ánh sáng của tình cảm những người cùng khổ, những xóm giềng chia sẻ từng củ khoai hạt gạo. Chị Dậu có bà lão hàng xóm tốt bụng hỏi thăm, đỡ đần, Lão Hạc có Ông Giáo cùng bầu bạn, sẻ chia tâm tư, nỗi buồn. Đó đều là những tình cảm xóm làng gắn bó thân thuộc cao đẹp. Thế nhưng ở Ông Hai lại xuất hiện một chuyến biến tình cảm lớn lao hơn rất nhiều so với người nông dân trước Cách Mạng tháng Tám. Cũng là sự gắn bó thiết tha, tình yêu son sắt bền chặt cùng xóm làng của mình nhưng Ông Hai đã dung hợp thứ tình cảm cao đẹp ấy, hòa quyện nó cùng với thứ tình cảm thiêng liêng nhất đó chính là tình yêu quê hương đất nước, tình yêu kháng chiến, yêu Cách Mạng. Ông Hai yêu làng thật, không ai có thể phủ nhận, thậm chí là rất yêu, nhưng cho dù tình cảm có đậm sâu thế nào ông vẫn dằn lòng rời xa xóm làng để đến một nơi khác tản cư phục vụ Cách Mạng, ủng hộ kháng chiến. Dù cho cuộc sống mới còn nhiều vất vả nhưng cứ có thời gian là Ông lại tới phòng thông tin đọc báo, xem tin kháng chiến. Mỗi khi nghe được tin báo tích cực của quân ta là Ông Hai lại vui mừng khôn xiết: “Ruột gan ông lão cứ múa cả lên. Vui, vui quá!”. Đặc biệt, để đưa nội dung câu chuyện thêm gay cấn, mâu thuẫn giằng xé nội tâm nhân vật lên đến đỉnh điểm và cũng để Ông Hai bộc lộ rõ ràng nhất tình yêu quê hương, đất nước của mình, nhà văn Kim Lân đã đẩy Ông Hai vào một tình huống éo le. Có thể, hơn bất cứ người nào khác, Ông Hai yêu làng nhất, Ông tin cái làng, cái con người Chợ Dầu nhiều nhất. Dù xa làng Ông vẫn hay say sưa, hãnh diện khoe với những người cùng tản cư khác về làng của Ông. Thế mà, tin sét đánh, chính tai ông nghe được từ những người tản cư ấy rằng làng Chợ Dầu, người Chợ Dầu mà Ông luôn tin yêu theo giặc, phản bội Cụ Hồ, phản bội Cách Mạng. Kết hợp với đó là nghệ thuật miêu tả, miêu tả nội tâm nhân vật chân thực, sinh động, đặc sắc. Khi hay tin làng Chợ Dầu Việt gian theo Tây, Ông sững sờ, bàng hoàng: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng không thở được. Một lúc lâu sau ông mới rặn è è, nuốt một cái gì như vướng ở cổ,…giọng lạc hẳn đi”. Ông trở về nhà trong nỗi đau đớn, tủi hờn, và nhất là khi nhìn thấy lũ con nhỏ, Ông đã không kìm được sự phẫn uất trong bản thân mình: “Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra… Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu.”. Đặc biệt, trong việc miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật Kim Lân đã vô cùng tinh tế khi uyển chuyển kết hợp nhiều loại ngôn ngữ: ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ độc thoại và độc thoại nội tâm để tô đậm hơn nữa ấn tượng của người đọc về một người nông dân chất phác, hiền lành nhưng lại phải day dứt, giằng xé trong suy nghĩ rất nhiều về việc có hay không, nên hay không nên tiếp tục tin tưởng vào xóm làng, vào những người mà Ông hằng tin yêu. Rồi Ông Hai lại lâm vào trầm tư, đắn đo, phân vân. Phải, Ông đắn đo lắm, Ông phân vân lắm. Giữa một bên là tình làng nghĩa xóm bao năm gắn bó, một bên là giấc mơ độc lập tự do, là kháng chiến trường kì vẫn còn dang dở, Ông biết chọn ai bỏ ai bây giờ. Những ngày sau đó, bầu không khí nặng nề, u ám luôn bao trùm cả gian phòng ở của gia đình Ông Hai: “Trong nhà có cái im lặng thật là khó chịu, không ai dám cất tiếng lên nói, đến cả nhìn nhau họ cũng không dám nhìn nhau nữa… Gian nhà lặng đi, hiu hắt.”. Ông Hai từ hôm ấy vẫn ở lì trong nhà, chẳng dám đi đâu, Ông cứ luôn nơm nớp, thấp thỏm lo sợ về cái “chuyện ấy”. Thậm chí, Ông đã định quay trở về làng nhưng sau cùng Ông lại từ bỏ. Ông nhận ra là mình sẽ phải ở lại, phải đồng lòng chung sức cùng Cách Mạng: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo tây mất rồi thì phải thù”. Để đi đến quyết định đó Ông phải đau đớn, dằn vặt biết chừng nào, Ông dường như trút bầu hết mọi mối tâm sự, đè nén trong những ngày qua lên cuộc trò chuyện cùng thằng Húc – con trai út của Ông. Ông hỏi con những điều thật giản dị, thuần túy nhưng cũng đầy xúc động: “Thế nhà con ở đâu? Thế con ủng hộ ai?”. Cuối cùng khi nghe tin làng theo giặc được cải chính, Ông Hai như được hồi sinh lại lần nữa: “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên…Mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy.” Rồi Ông lại tất tả chạy đi khoe khắp làng trên xóm dưới rằng làng Ông không theo giặc, rằng người Chợ Dầu không hề Việt Gian. Cùng với đó ngôn ngữ của nhân vật được khắc họa đậm chất khẩu ngữ của vùng miền Bắc Bộ Việt Nam: “biết chửa”, “nhờ mấy”, “mấy lị”,… Tất cả đã tạo nên một truyện ngắn “Làng” đầy sinh động, chân thực và cuốn hút.

>> Xem thêm:  MS129 - Phân tích bài thơ Thương vợ của Tú Xương

Bên cạnh những “điều mới mẻ” mà dưới con mắt mình nhìn thấy, Kim Lân còn đem gửi gắm vào “Làng” lời nhắn nhủ thầm kín mà ông đã chiêm nghiệm ra. Tình yêu làng vốn là một thứ tình cảm cao đẹp mang tính truyền thống có từ ngàn đời nay. Từ những câu ca dao, dân ca xưa, tình yêu làng quê đã được gửi gắm chân thành, sâu kín vào những hình ảnh vô cùng thân thuộc: gốc đa, bến nước, sân đình,…

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Hay:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Nhưng phải đến những năm sau Cách Mạng tháng Tám, tình yêu làng quê mới thực sự nảy nở rực rỡ nhất, hòa quyện bền chặt cùng với tình yêu đất nước, dân tộc, yêu Cách Mạng tự do. Ông Hai hễ cứ nhắc tới làng là lại say sưa, hãnh diện, hễ cứ nghe tin quân ta giết được giặc là lại vui sướng, mừng quýnh cả lên. Thế nhưng, khi bị đặt vào tình huống phải lựa chọn giữa làng và Đảng Ông đã nhất quyết chọn tin theo con đường Cách Mạng. Đó không phải là vì Ông yêu Đảng hơn mà vì Đảng chính là đại diện cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam, mà, trong đất nước Việt Nam này bao gồm cả quê hương, cả cái làng Chợ Dầu thân thương của Ông. Yêu Đảng, yêu Cách Mạng cũng chính là yêu Tổ quốc, yêu nơi chôn rau cắt rốn của chính bản thân mình, Ông nhận ra rằng giải phóng dân tộc là giải phóng cho làng, là dành điều tốt nhất cho làng. Có thể nói, tình yêu quê hương, đất nước, yêu Lãnh tụ đã tỏa sáng rực rỡ hơn bao giờ hết, hàm chứa trong đó cả tình yêu xóm làng thân thương tạo nên một nguồn sức mạnh dân tộc lớn lao từ thời kỳ sau Cách Mạng tháng Tám.

>> Xem thêm:  MS354 - Cảm nhận về hai đoạn thơ "Gió theo lối gió, mây đường mây..." và "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc..."

Không chỉ thuần túy là một góc của đời sống xã hội Việt Nam những năm đầu kháng chiến chống Pháp nữa mà có lẽ ”Làng” đã trở thành một ánh sáng mới, một lời nhắn nhủ sâu kín của Kim Lân dành tới mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt là những người nông dân trong những thập niên 50 về tình yêu làng quê, tình yêu đất nước, yêu Tổ quốc. Và quả đúng như những gì Nguyễn Đình Thi đã nhận định, các tác phẩm nghệ thuật luôn xuất phát từ thực tế, thế nhưng để có thể trở thành một tác giả – cha đẻ của những tác phẩm ấy thì đòi hỏi người sáng tác phải biết nhìn sâu, nhìn kĩ, tìm tòi ra những điều mới mẻ và biết gửi gắm trong các tác phẩm của mình những điều tốt đẹp, hướng người ta tới những giá trị chân – thiện – mỹ của cuộc đời. Thực sự, với “Làng” Kim Lân đã làm được điều ấy, ông đã cho ta thấy mọi khía cạnh của đời sống người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp và thầm gửi trong đó định nghĩa đúng đắn nhất của tình yêu nước trong mỗi người dân Việt. Và từ đây, chính điều ấy đã tạo nên một bàn đạp lớn lao mạnh mẽ giúp dân tộc ta đánh đuổi hai kẻ thù lớn là Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ giành lại độc lập, tự do cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Hà Ngọc Huế

Lớp 10A2 –  Trường THPT Hải Đảo, Vân Đồn, Quảng Ninh

Bài viết liên quan